Mỹ muốn tăng hiện diện quân sự tại Úc

.

Các quan chức quân sự và ngoại giao của Mỹ, Úc vừa gặp nhau và thống nhất phương hướng chung trong kế hoạch hợp tác, tăng cường hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ tại Úc.

Các quan chức quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và Úc tại cuộc họp báo ngày 7-12 (giờ địa phương) tại Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters
Các quan chức quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và Úc tại cuộc họp báo ngày 7-12 (giờ địa phương) tại Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters

Đây là động thái mới nhất trong một loạt kế hoạch Washington muốn mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gia tăng cạnh tranh với các cường quốc khác trong khu vực. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các đồng minh cam kết “hỗ trợ các nước trong khu vực chống lại mọi hình thức lật đổ và cưỡng ép” nhưng cũng cảnh báo sẽ không để cho những cạnh tranh địa chính trị “leo thang thành xung đột”.

Tăng điều động quân sự luân phiên

Truyền thông quốc tế cho biết, Lầu Năm Góc dự kiến điều động thêm chiến đấu cơ, máy bay ném bom và nhiều khí tài quân sự khác tới Úc. Mỹ muốn củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng trên nhiều lĩnh vực.

Financial Times cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Úc Richard Marles trong khuôn khổ cuộc tham vấn cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Úc-Mỹ (AUSMIN) thường niên ngày 7-12 (giờ địa phương) tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định: “Chúng tôi cam kết những bước chắc chắn để tăng cường hợp tác trong cả ngoại giao lẫn quốc phòng”; đồng thời cho biết các động thái của Trung Quốc trong thời gian qua là lý do để phía Mỹ triển khai các động thái mới nhất này. Ngoại trưởng Úc Penny Wong và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cũng tham dự cuộc họp này. 

Cuộc họp đánh dấu lần đầu tiên các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Mỹ và Úc họp với nhau trực tiếp kể từ khi chính phủ do Công đảng của Thủ tướng Anthony Albanese lên nắm quyền hồi đầu năm nay. Cuộc gặp cũng diễn ra trong bối cảnh hai nước và các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng dè chừng trước sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc. “Mỹ và Úc chia sẻ tầm nhìn về một khu vực mà trong đó các quốc gia có thể tự quyết định tương lai của mình. Thật không may, tầm nhìn đó ngày nay đang bị thách thức...”, ông Austin cảnh báo.

Theo ông Austin, Mỹ sẽ tăng cường các đợt điều động luân phiên, liên quan tới những đợt gửi khí tài quân sự, binh sĩ khác nhau mà không lệ thuộc vào một sự hiện diện thường trực. Washington cũng sẽ điều động luân phiên các nguồn lực hải quân và lục quân khác. Bộ trưởng Austin không nêu chi tiết khi nào sẽ có sự gia tăng trong các đợt triển khai luân phiên, hoặc có bao nhiêu binh lính, tàu và máy bay sẽ tham gia, và không rõ thông báo này khác với tuyên bố tương tự hơn một năm trước như thế nào. Tuy nhiên, quan chức này cho biết hai nước sẽ tính toán kỹ lưỡng các chi tiết của thỏa thuận.

Kêu gọi Nhật Bản tham gia

Ông Charles Edel, chuyên gia người Úc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), hoan nghênh thông báo từ phía Mỹ về kế hoạch điều động quân sự luân phiên tới Úc. Tuy nhiên, ông Edel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận này giữa các đồng minh.

Các quan chức quốc phòng Mỹ, Úc cũng cho biết, hai nước này sẽ mời Nhật Bản tham gia hoạt động của các đồng minh tại Úc, trong đó có các cuộc tập trận chung của Washington và Canberra. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận: “Chúng tôi nhất trí củng cố hợp tác quốc phòng ba bên và mời Nhật Bản tham gia các sáng kiến bố trí lực lượng ở Úc”. Dự kiến, các quan chức Úc sẽ tới Tokyo trong cuối tuần này để bàn kế hoạch này.

Ông Zack Cooper, chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện doanh nghiệp Mỹ, cho rằng sự tăng cường hiện diện quân sự luân phiên tại Úc của Mỹ là điều thiết yếu, căn cứ vào tình trạng địa lý phân tán rải rác trong khu vực. “Úc có vị trí thuận lợi về địa lý, nhất là với các máy bay tầm xa như máy bay ném bom, máy bay do thám và máy bay tiếp liệu nhưng nước này còn có thể trở thành khu vực huấn luyện chủ chốt cho các lực lượng phối hợp”, ông Cooper nói. Cũng theo chuyên gia này, Nhật Bản chắc chắn sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện và thao tập chung với lực lượng của Mỹ và Úc bên trong phạm vi lãnh thổ Úc.

Thực tế cho thấy trong các năm qua, Mỹ đã tăng cường hợp tác với Úc trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là việc khôi phục lại hoạt động của nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc). Hồi tháng 9-2021, Mỹ, Úc và Anh ký thỏa thuận an ninh Aukus, thỏa thuận được thiết kế giúp Canberra mua được các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.