Nga-Mỹ có sớm đàm phán về vấn đề Ukraine?

.

Đàm phán trực tiếp giữa hai bên liên quan để giải quyết xung đột Nga-Ukraine qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại từ hồi tháng 3-2022. Lý do đóng sập cánh cửa đàm phán cho thấy, xung đột không chỉ đơn thuần diễn ra giữa Moscow với Kiev mà đã nhanh chóng trở thành “xung đột ủy nhiệm” giữa một bên là Nga và phần lại là Ukraine cùng với Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó chủ chốt là tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Để ứng phó với Nga, phương Tây mà chủ yếu là Mỹ đã chuyển đến Ukraine hàng chục tỷ USD phương tiện quân sự hiện đại các loại, trợ giúp kỹ thuật, huấn luyện quân sự, cung cấp thông tin tình báo…; đồng thời viện trợ tài chính lên đến trăm tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế nước này không bị kiệt quệ. Vì thế, xung đột Nga-Ukraine cũng từ đó gây ra nhiều hệ lụy vô cùng nghiêm trọng không chỉ cho hai bên liên quan mà cả châu Âu và thế giới. Trong đó, vấn đề đáng nói nhất là do Nga nắm giữ nguồn cung rất lớn nên đã xảy ra khủng hoảng năng lượng toàn cầu và kéo theo nhiều diễn biến bất lợi về chính trị-kinh tế-xã hội ở châu Âu, tác động không nhỏ đến cả chính trường Mỹ.

Điều oái ăm thay là chính các nước châu Âu lại lên tiếng phàn nàn về thực trạng phải hứng chịu nhiều thiệt hại trong khi Mỹ, đồng minh chủ chốt của họ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, lại hưởng món lợi kết xù từ xung đột Nga-Ukraine do bán được nhiều dầu khí và vũ khí. Sức chống chịu các đồng minh của Mỹ ở châu Âu xem ra đã “vượt ngưỡng” nên họ muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, giờ đây tiếng nói quyết định “có hay không có đàm phán” và “đàm phán như thế nào” lại không hẳn xuất phát từ Kiev như nó đã từng diễn ra vào trước tháng 3-2022 mà hiện chủ yếu là từ Washington, nhà tài trợ chính cho Ukraine. Và có lẽ, do tình hình có sự thay đổi nhanh chóng trong nước và thế giới, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông ấy thực sự quan tâm quyết định tìm kiếm biện pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine”.

Trong buổi phỏng vấn trên Kênh 1 truyền hình Nga ngày 30-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Sự sẵn sàng đàm phán của Nga, trong đó có Tổng thống Putin, vẫn không thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những đề nghị mà các đối tác phương Tây đưa ra về việc xuống thang căng thẳng. Vì vậy, nếu được tiếp cận với lời đề nghị mang tính thực chất dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau nhằm mục đích tìm kiếm những thỏa hiệp cân bằng lợi ích của mọi quốc gia, tất nhiên là chúng tôi sẽ hưởng ứng”. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, đàm phán về vấn đề Ukraine là trước tiên phải được tiến hành với Mỹ.

Trả lời phỏng vấn trên kênh Rossiya-1 ngày 30-10, ông Peskov nêu rõ: “Tất nhiên, Washington nắm lá phiếu quyết định. Vì vậy, không thể thảo luận bất cứ điều gì với Kiev”. Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích của nước này và sẽ không dung thứ cho bất kỳ nhân tố nào chi phối Moscow.

Như vậy, có thể nhận ra Moscow đã “bật đèn xanh” về đàm phán từ rất lâu. Khi Tổng thống Biden lần đầu tiên phát tín hiệu sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Nga, dư luận quốc tế hy vọng Nga-Mỹ sẽ sớm cùng nhau thảo luận vấn đề Ukraine để tìm “tiếng nói chung”, qua đó góp phần nhanh chóng chấm dứt xung đột vốn vẫn chưa hạ nhiệt này.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.