Thế giới đang đối diện với ba cuộc đại khủng hoảng đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của nhân loại: biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; đa dạng sinh học.
Cách đây 30 năm, tại hội nghị thượng đỉnh về trái đất của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Brazil, cộng đồng quốc tế thông qua ba thỏa thuận lớn về khí hậu, đa dạng sinh học và chống sa mạc hóa. So với lĩnh vực khí hậu, mảng môi trường dường như bị coi nhẹ hơn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh các điều kiện của môi trường sống đang ở mức báo động đỏ. Các chuyên gia đề cập đến ‘‘sự sụp đổ của đa dạng sinh học’’ khi khoảng một triệu giống loài sinh vật có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong những thập niên tới; 75% diện tích đất đai bị hoạt động của con người làm suy thoái nghiêm trọng; ít nhất 150 triệu tấn nhựa đổ xuống biển, 437 triệu ha rừng biến mất từ năm 2000 đến nay.
Theo các chuyên gia, hơn nửa GDP hằng năm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. ‘‘Các dịch vụ thiết yếu’’ mà các hệ sinh thái có thể cung cấp cho nhân loại ước tính trong khoảng 125.000 tỷ USD - 140.000 tỷ USD/năm; trong đó có nguồn nước, đất, hay các sinh vật nhỏ bé giúp ích cho nông nghiệp. Thiên nhiên, các hệ sinh thái đóng góp hào phóng và âm thầm cho sự phát triển, thịnh vượng của nhân loại suốt dòng lịch sử nhưng nhân loại đã vượt qua rất nhiều ‘‘lằn ranh đỏ’’ về bảo tồn hệ sinh thái. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định, tham vọng không giới hạn đối với mô hình tăng trưởng kinh tế không kiểm soát và bất bình đẳng như hiện nay chính là ‘‘vũ khí hủy diệt hàng loạt’’ đối với sinh giới.
Để giải quyết thực trạng quan ngại này, Hội nghị lần thứ 15 các quốc gia tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra từ ngày 7 đến 19-12 tại Montréal (Canada) tập trung giải quyết những vấn nạn dẫn đến ngày tận thế của đa dạng sinh học như thay đổi sử dụng đất; khai thác quá mức; ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu và sự lây lan của các loài xâm lấn. Một trong những kỳ vọng lớn tại COP15 là việc thông qua thỏa thuận chung gồm khoảng 20 mục tiêu về bảo vệ 30% diện tích biển và đất liền; khôi phục môi trường thiên nhiên; xác lập các quy định đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp bền vững…
Tuy nhiên, cũng giống như COP27 vừa qua về biến đổi khí hậu, một trong các đòi hỏi chính của các nước nghèo tại COP15 là việc tài trợ của các nước phát triển. Một liên minh các nước phía nam yêu cầu ít nhất 100 tỷ USD/năm cho đa dạng sinh học, tương đương với khoản tiền dành cho chống biến đổi khí hậu và nâng dần lên khoảng 700 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030. Đây là số tiền mà các nước giàu khó có thể chấp nhận dù họ biết rằng chừng đó cũng chưa đủ để ngăn chặn tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang ở mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các nước cũng kêu gọi cần phải giảm mạnh nguồn đầu tư vào các hoạt động nguy hại cho môi trường.
Theo Thị trưởng Montréal, năm 1985, cũng tại thành phố này, cộng đồng quốc tế đã đạt được hiệp ước bảo vệ tầng ozone của trái đất. Việc thực thi hiệp ước này trong những năm qua đã giúp cải thiện rõ rệ tình hình tầng ozone. Do vậy, cộng đồng quốc tế đang nóng lòng chờ đón những tín hiệu tích cực từ COP15. Để tránh ba cuộc đại khủng hoảng nói trên, giải pháp sống còn duy nhất là phải gấp rút “làm hòa” với thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh thế giới đã chào đón công dân thứ 8 tỷ.
TUYẾT MINH