Nghị trường EU rúng động

.

Nghị trường của Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ rung chuyển khi các nhà điều tra của Bỉ bắt giữ, thẩm vấn các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP) cùng nhiều trợ lý có liên quan tới nghi án nhận hối lộ.

Ngày 11-12, Viện Kiểm sát Bỉ cho biết, bà Eva Kaili, Phó Chủ tịch EP, cùng với 3 người khác bị bắt giam với cáo buộc nhận hối lộ số tiền lớn nhằm tác động đến các chính sách của EP theo hướng mang lại lợi ích cho một nước Trung Đông. Vụ việc thuộc khuôn khổ cuộc điều tra của Văn phòng Công tố liên bang Bỉ về nghi vấn tham nhũng liên quan các nước vùng Vịnh. Theo truyền thông Bỉ, các điều tra viên đang tìm hiểu khả năng “quốc gia vùng Vịnh” được nhắc đến là Qatar. Tuy nhiên, phái đoàn Qatar tại EU ngày 11-12 bác bỏ đồn đoán này, khẳng định nước này “luôn tuân thủ luật pháp và các quy định quốc tế”.
Được biết, bà Eva Kaili, quốc tịch Hy Lạp, một trong số 14 phó chủ tịch của EP, là thành viên của nhóm Liên minh cấp tiến xã hội và dân chủ (S&D) tại EP, bị cảnh sát Bỉ bắt giữ tối 9-12. Trong cuộc khám xét nhà riêng của bà Kaili, cảnh sát Bỉ thu giữ nhiều túi đựng tiền mặt. Với chứng cớ này, bà Kaili bị bắt giữ ngay tại chỗ mà không được hưởng quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ châu Âu.

Theo tiết lộ của tờ Le Soir và tạp chí Knack, còn có thêm 2 nghi phạm bị bắt tại Ý là vợ và con gái của cựu thành viên EP Antonio Panzeri, 67 tuổi, vốn nằm trong nhóm 4 người bị bắt giam nói trên. Ông Panzeri, đảm nhiệm chức vụ nghị sĩ EP từ năm 2004 đến 2019, từng là Chủ tịch tiểu ban Nhân quyền tại EP và bị tình nghi là người tổ chức mạng lưới tham nhũng trong EP. Ngoài ra, ngày 10-12, cảnh sát Bỉ tạm giữ một số nhân vật khác có liên quan như ông Tarabella,  Phó Chủ tịch Phái đoàn phụ trách quan hệ với bán đảo Arab tại EP.

Báo chí Bỉ trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết, tổng số tiền mặt mà cảnh sát Bỉ thu giữ trong các cuộc khám xét lên tới 1 triệu euro. Đây được cho là số tiền mà bà Kaili cùng những người có liên quan nhận từ một quốc gia Trung Đông để tác động đến các chính sách của EP theo hướng có lợi cho quốc gia này. Các vụ bắt giữ được xem là sự kiện chấn động đối với EP. Đích thân Chủ tịch EP, bà Roberta Metsola ngày 10-12 phải quay trở về Brussels từ Malta để chứng kiến vụ khám xét của cảnh sát Bỉ tại nhà một nghị sĩ châu Âu quốc tịch Bỉ.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Metsola đình chỉ tất cả quyền lực, nhiệm vụ và công việc được phân công cho bà Kaili trên cương vị Phó Chủ tịch EP, trong đó có vai trò là đại diện của EP tại khu vực Trung Đông. Đảng Xã hội Hy Lạp cũng thông báo khai trừ bà Eva Kaili khỏi tổ chức này. Chủ tịch Metsola triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngày 12-12 với lãnh đạo của tất cả các nhóm đảng tại EP để thảo luận cuộc điều tra của cảnh sát Bỉ.

Tổ chức Transparency International kêu gọi EU có các biện pháp mạnh để cải tổ sâu rộng các quy tắc về đạo đức, không chỉ trong nội bộ EP mà cả tại Ủy ban châu Âu (EC), trong đó cần xây dựng cơ quan độc lập về đạo đức, có đủ nguồn lực để tiến hành các điều tra, và có thẩm quyền trừng phạt các hành vi vi phạm bộ quy tắc về nghĩa vụ nghề nghiệp.

Có thể nói, sự kiện này không chỉ làm cho nghị trường EP rúng động mà cả EU cũng cảm thấy bất an trong bối cảnh “lục địa già” phải đối phó với hàng loạt thách thức từ xung đột Nga-Ukraine đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.