Năm 2022 sắp kết thúc nhưng châu Âu, vốn được xem là nơi bình an nhất thế giới sau Thế chiến 2, lại trở nên bất an chưa từng có.
Cuộc xung đột vô cùng phức tạp giữa Nga với Ukraine kéo dài hơn 10 tháng qua đã trở thành điểm nóng nhất toàn cầu hiện nay. Tác động của cuộc xung đột này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới châu Âu, và cả thế giới nói chung, về vấn đề an toàn hạt nhân, chuỗi khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm cùng hàng loạt thách thức khác mà đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Thậm chí, các bên liên quan còn đưa ra tuyên bố cứng rắn khiến xung đột có nguy cơ kéo dài.
Trong khi đó, hơn 2 tháng qua, điểm nóng bùng phát giữa Kosovo với Serbia tại khu vực Balkan. Hôm 24-11, các nhà đàm phán của hai bên, dưới sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), nhất trí các biện pháp tránh leo thang nguy cơ xung đột vũ trang và đề nghị bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 28-12, Kosovo quyết định đóng cửa khẩu lớn nhất sau khi những người biểu tình phong tỏa khu vực này bên phía Serbia để ủng hộ những người đồng hương của họ đang sinh sống ở Kosovo nhưng từ chối công nhận nền độc lập của Kosovo. Sự vụ này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đang đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất.
Bất ổn trên là hệ quả do chính Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà đứng đầu là Mỹ vào ngày 24-3-1999 can thiệp quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ Nam Tư kéo dài gần 80 ngày. Cuộc chiến gây ra thảm họa nhân đạo ở quốc gia vùng Balkan khi ước tính có hơn 855.000 người, đa số là người gốc Albania, phải rời Kosovo tị nạn từ khi chiến dịch không kích của NATO bắt đầu. Đây là cuộc tấn công đầu tiên chống lại một quốc gia có chủ quyền trong lịch sử 50 năm tồn tại của tổ chức liên minh quân sự này, để tách Kosovo thành quốc gia độc lập. Nhưng Belgrade đã từ chối công nhận chính phủ ở Pristina hoặc vị thế của Kosovo với tư cách là một quốc gia độc lập với Serbia do NATO và EU dựng nên. Vì thế, cho đến nay, giữa Kosovo và Sebria vẫn là điểm nóng có thể bùng phát cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.
Chưa dừng lại ở đó, ngay trong lòng châu Âu lại có thêm điểm nóng thứ ba vô cùng nguy hiểm. Dù là đồng minh trong NATO, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bất hòa trong nhiều thập niên liên quan tới các tranh chấp song phương, bao gồm biên giới biển, yêu sách chồng lấn đối với thềm lục địa và vấn đề Cộng hòa Cyprus. Ngày 29-12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo trả đũa nếu Hy Lạp tiến hành bất kỳ hoạt động mở rộng lãnh hải ở biển Aegea; đồng thời nhấn mạnh, động thái của Athens sẽ được coi là hành động khiêu khích có thể dẫn tới xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nếu Hy Lạp mở rộng vùng lãnh hải từ 6 hải lý hiện nay lên 12 hải lý thì sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận vùng biển quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Bình luận về thông tin Hy Lạp muốn mở rộng lãnh hải xung quanh đảo Crete, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Chúng tôi không cho phép mở rộng lãnh hải dù chỉ một hải lý ở biển Aegea”. Đáp lại, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố, nước này hành xử theo luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia là yếu tố quyết định duy nhất; đồng thời cho biết, lời đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu của chủ nghĩa xét lại khiêu khích chứ không phải cách hành xử của một đồng minh trong NATO.
Từ những diễn biến trên cho thấy những bất ổn đang và sẽ dẫn đến xung đột vũ trang ngay trong lòng châu Âu ngày càng gia tăng ở mức đáng lo ngại. Không những vậy, nhiều nguy cơ khác về khủng bố, tôn giáo, kỳ thị sắc tộc…tích tụ có thể nhanh chóng bùng lên dữ dội để rồi phá bỏ đi những kết quả mà cả lục địa này từng dày công tạo dựng từ sau Thế chiến 2. Đây thực sự là bài toán vô cùng hóc búa mà châu Âu phải tìm lời giải ngay từ đầu năm 2023 để xung đột không còn phủ lên “lục địa già”!
TUYẾT MINH