Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Úc đồng thuận việc áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga. Tuy nhiên, động thái này được cho là sẽ gây ra nhiều rủi ro.
Thỏa thuận được đưa ra sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vượt qua sự phản đối từ Ba Lan. Giới hạn giá dầu cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển nhưng các công ty vận chuyển và bảo hiểm không thể tiếp nhận các lô hàng dầu thô của Nga, trừ khi giá các lô này dưới 60 USD/thùng.
Mức giá trần đối với dầu mỏ là ý tưởng của EU nhằm giảm thu nhập của Moscow từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận EU áp lên dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5-12. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố, thỏa thuận trên sẽ giúp hạn chế nguồn thu nhập chính của Nga đồng thời duy trì sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu và mang lại lợi ích cho các nước vốn đang phải đối mặt với mức giá dầu cao.
Tuy nhiên, mức 60 USD/thùng gần với giá dầu thô hiện tại của Nga. Một số người chỉ trích, mức giá này không đủ thấp để cắt giảm một trong những nguồn thu nhập chính của Nga và còn gây ra rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vì mất đi một lượng lớn dầu thô từ nhà sản xuất số hai thế giới. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và các nước đang phát triển còn dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về chi phí năng lượng. Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại có thể đồng nghĩa với việc thế giới bớt “khát” dầu hơn. Xu hướng đó, cộng với việc lệnh cấm vận của EU có thể làm giảm thêm nguồn cung dầu ra thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung bị siết chặt và giá xăng dầu sẽ cao hơn.
Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, việc áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng là chưa đủ cứng rắn và sẽ không có tác dụng ngăn cản Nga tiếp tục chiến dịch quân sự. Theo ông, mức giá này vẫn “khá dễ chịu” và sẽ giúp ngân sách Nga tăng thêm 100 tỷ USD /năm. Ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho rằng, trần giá dầu Nga nên được đặt ở mức 30 USD để tác động đến nền kinh tế Nga nhanh hơn.
Trong khi đó, Nga chỉ trích động thái nói trên của phương Tây là bước đi nguy hiểm và bất hợp pháp. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không chấp nhận việc áp giá trần và vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác mua dầu khác. Moscow đang phân tích tình hình và sẽ đưa ra biện pháp đáp trả. Đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc Mikhail Ulyanov nhắc lại lời của Tổng thống Putin rằng nước này sẽ không bán dầu cho quốc gia nào áp giá trần; đồng thời cảnh báo, châu Âu sẽ không có dầu Nga vào năm tới. Ngày 4-12, Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga ngay cả sau khi lệnh cấm vận và trần giá của EU có hiệu lực từ ngày 5-12.
Theo các chuyên gia, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất trong việc áp giá trần dầu Nga. Washington luôn tìm cách thuyết phục châu Âu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga nhằm thúc đẩy lục địa này chuyển sang sử dụng năng lượng từ Mỹ, nhưng cái giá mà người châu Âu phải trả cao gần gấp 4 lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ và cao hơn nhiều lần so với việc mua các sản phẩm này từ Nga.
GIA NGH