Tuần qua, hai sự kiện đáng chú ý nhất trên thế giới chính là chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và việc WHO đánh giá lạc quan về tình hình dịch bệnh trong năm 2023.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ ngày 21-12-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Ukraine đến Washington kêu gọi thêm viện trợ
Ngày 21-12, tức 10 tháng sau khi xảy ra xung đột với Nga, nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky lần đầu tiên rời khỏi lãnh thổ Ukraine để đến Nhà Trắng và Đồi Capitol gặp gỡ những quan chức hàng đầu của Mỹ.
Hãng Reuters cho biết khi tiếp đón người đồng cấp Ukraine tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức tuyên bố quyết định cung cấp gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine trị giá 1,85 tỷ USD, trong đó lần đầu bao gồm cả hệ thống phòng không tên lửa Patriot, được mệnh danh là “lá chắn thép” của Lầu Năm Góc.
Ông Zelensky cũng đã có bài phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ, qua đó thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính cho nước này. Gói viện trợ mới lần này gồm khoản tiền 1 tỷ USD để giúp Kiev nâng cao sức mạnh phòng không và tấn công chính xác mở rộng, cũng như thêm 850 triệu USD để hỗ trợ tình hình an ninh. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã cam kết cung cấp khoảng 21,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev.
Chuyến thăm chớp nhoáng của ông Zelensky đã thu được lời cam kết về khoản viện trợ lớn gần 2 tỷ USD, một số vũ khí mới cùng với nhiều khả năng là gần 50 tỷ USD hỗ trợ dành cho năm sau. Thế nhưng, không phải Washington sẽ cung cấp mọi khí tài theo mong muốn của Kiev. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn không muốn gửi xe tăng, chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa hiện đại tới chiến trường Kiev. Bởi lẽ, hậu quả chúng có thể gây ra là không hề nhỏ.
Theo tờ New York Times, đối với những vũ khí tầm xa như tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) có thể bắn trúng mục tiêu cách 300km, Mỹ lo ngại nguy cơ Ukraine sử dụng tên lửa tấn công vào mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, khiến nước này bị cho là gây chiến trực tiếp với Nga. Đối với các máy bay chiến đấu như máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle và MQ-9 Reaper, Lầu Năm Góc lo ngại rằng nếu chúng bị bắn hạ, Nga có thể tịch thu và học hỏi được công nghệ tiên tiến của những thiết bị này. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn cho rằng Ukraine đã có đủ xe tăng và máy bay chiến đấu từ các nước khác.
Hình ảnh Bakhmut bị phá hủy do xung đột. Ảnh: AP |
Quyết định gửi hệ thống tên lửa Patriot cho Kiev của Chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra bất chấp những lời cánh báo từ Nga. Moskva cho rằng việc Washington cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến này sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin hôm 21-12 đưa ra cảnh báo về việc Mỹ tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine, khẳng định động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng xung đột.
Dù vậy, nhiều quan chức phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nói rằng họ ủng hộ Ukraine để làm suy yếu Nga và khẳng định họ không phải là một bên trong cuộc xung đột.
Trong khi đó, diễn biến trên chiến trường Ukraine vẫn diễn ra quyết liệt với hàng loạt cuộc pháo kích và tấn công bằng máy bay không người lái, nhất là tại Bakhmut và tiếp đến có thể là Mariupol. Giờ đây Bakhmut đã trở thành chiến trường chính với việc cả Ukraine và Nga đều đổ quân, xe tăng và pháo binh về đây. Một cuộc rút lui khỏi Bakhmut sẽ báo hiệu Ukraine mất thế chủ động sau bốn tháng tiến công ổn định, trong khi nâng cao tinh thần của Nga và khiến việc theo đuổi các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine ở Donetsk và khu vực Lugansk gần đó trở nên khó khăn hơn.
Về phía Nga, việc Tổng thống Putin nói muốn kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine sớm nhất có thể đã cho thấy những bước chuyển nhất định trong tuyên bố của Điện Kremlin. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đánh giá chủ yếu phía quân đội Nga vẫn theo đuổi mục tiêu “đánh để đàm” như hiện nay. Khả năng các bên ngồi vào bàn đàm để chấm dứt giao tranh khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Bởi lẽ, Kiev và Washington đều không tin tưởng lẫn nhau, đồng thời không chịu nhún nhường mà luôn giữ vững mục tiêu riêng của họ.
WHO kỳ vọng năm 2023 sẽ khởi sắc
Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Xinhua |
Đại dịch Covid-19 cùng với đợt bùng phát đậu mùa khỉ toàn cầu đang suy yếu và không có ca mắc bệnh Ebola mới nào ở Uganda trong hơn ba tuần qua… đã khiến Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus có thêm dấu hiệu lạc quan về tình hình dịch bệnh năm tới.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, ngày 21-12, người đứng đầu WHO cho hay mặc dù năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với ngành y tế toàn cầu, nhưng chúng ta vẫn có nhiều lý do để hy vọng khi năm mới đang đến gần.
Năm 2022, tức năm thứ ba xảy ra đại dịch Covid-19, cũng đã xuất hiện những đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu, dịch tả hoành hành ở nhiều quốc gia và đợt bùng phát dịch Ebola ở Uganda. Hạn hán và lũ lụt tấn công vùng Sừng châu Phi và vùng hoang mạc Sahe, và lũ lụt kinh hoàng đã xảy ra ở Pakistan.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kỳ vọng cả Covid-19, đậu mùa khỉ và Ebola sẽ được tuyên bố chấm dứt vào những thời điểm khác nhau trong năm tới.
Ông nói thêm rằng số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo hàng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức cao nhất vào cuối tháng 1, khi làn sóng Omicron lan truyền mạnh mẽ.
Các bác sĩ tại bệnh viện Entebbe Regional Referral Hospital ở Uganda đeo thiết bị bảo hộ y tế. Ảnh: Xinhua |
Dù vậy, quan chức y tế này một lần cảnh báo rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm và giải trình tự vẫn gây khó khăn cho việc hiểu chính xác virrus đang thay đổi như thế nào. Trong khi đó, những lỗ hổng trong tiêm chủng đã khiến hàng triệu người, đặc biệt là nhân viên y tế và người già, đối mặt nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong.
Người đứng đầu WHO đã xác định 5 ưu tiên cho cơ quan y tế thế giới vào năm 2023: tập trung vào nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; thúc đẩy bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh nghiên cứu, khoa học và công nghệ; và tiếp tục cải tổ WHO.
Ông cũng nói rằng cam kết chính trị từ các nhà lãnh đạo quốc gia là rất quan trọng, vì tất cả năm ưu tiên kể trên đều cần được thực hiện ở cấp quốc gia.
Đáng chú ý, thế giới đang quan tâm với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, trước những dự báo chuyên môn cho rằng làn sóng lây nhiễm ở quốc gia đông dân bậc nhất thế giới này vẫn chưa đạt đỉnh điểm. Nhiều chuyên gia dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm sau sẽ là thời điểm nóng nhất về dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và số ca tử vong có thể lên đến 1 triệu người. Ngày 23-12 tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định về cơ bản, tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở nước này là có thể dự đoán và kiểm soát được.
Theo Baotintuc.vn