Trung Quốc, Nga "song kiếm hợp bích" ở lĩnh vực năng lượng

.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, nước này sẵn sàng hợp lực cùng Nga để thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ hơn về năng lượng khi cả hai bên đang nỗ lực mở rộng thương mại năng lượng trước viễn cảnh bất ổn của thị trường toàn cầu.

Nhân viên của Tập đoàn PipeChina kiểm tra đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 1-11. Ảnh: VCG
Nhân viên của Tập đoàn PipeChina kiểm tra đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 1-11. Ảnh: VCG

Kế hoạch “song kiếm hợp bích” của Trung Quốc và Nga về năng lượng được đưa ra trong bối cảnh các cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) về mức giá trần đối với dầu thô Nga lâm vào bế tắc khi chỉ còn ít ngày nữa, ngày 5-12, lệnh cấm nhập khẩu với mặt hàng này của Nga có hiệu lực.

Hợp tác năng lượng là nền tảng quan trọng

Theo Global Times, tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình được đề cập trong bức thư gửi đến diễn đàn Kinh doanh năng lượng Nga - Trung Quốc ngày 29-11. Bức thư nêu rõ: “Hợp tác năng lượng là nền tảng của hợp tác thực chất Nga - Trung Quốc, đồng thời là động lực tích cực để duy trì an ninh năng lượng toàn cầu”. Trước những rủi ro và thách thức bên ngoài, hai nước đã tăng cường liên lạc, phối hợp và thúc đẩy các dự án quy mô lớn, thể hiện khả năng phục hồi của hợp tác năng lượng và mở ra triển vọng rộng lớn cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới.

Cụ thể, Trung Quốc muốn “bắt tay” với Nga để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch, bảo vệ an ninh năng lượng quốc tế và sự ổn định của các chuỗi cung ứng và công nghiệp, qua đó đóng góp cho sự phát triển lâu dài, lành mạnh và bền vững của thị trường năng lượng toàn cầu. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đề xuất xây dựng mô hình quản trị năng lượng toàn cầu xanh và phát thải ít carbon; thiết lập quan hệ đối tác năng lượng sạch toàn cầu; giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu… Ông Luo Zuoxian, người đứng đầu bộ phận tình báo và nghiên cứu tại viện nghiên cứu Sinopec cho biết: “Thương mại dầu khí Nga - Trung Quốc sẽ dần tăng lên và căng thẳng địa chính trị hiện nay sẽ chỉ đẩy nhanh tiến trình hợp tác “win-win (cùng thắng) này”.

Thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ 

Trung Quốc và Nga đang đi đúng hướng trong nỗ lực giảm lệ thuộc vào đồng USD cũng như hệ thống thanh toán quốc tế mà Mỹ đang chi phối. RT dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak tuyên bố, Moscow và Bắc Kinh đang thúc đẩy cơ chế thanh toán không thông qua hệ thống toàn cầu SWIFT của phương Tây. “Trong hợp đồng khí đốt, chúng tôi đã chuyển sang thanh toán bằng nội tệ trên cơ sở ngang giá. Nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như than đá, cũng đang được chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, qua đó tránh rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi đồng ruble và nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ của thế giới”, ông Novak nói.

Các ngân hàng trung ương của hai nước tính toán mở tài khoản cho các công ty Nga ở Trung Quốc và ngược lại để tạo ra hệ thống thanh toán mới mà không cần SWIFT. Moscow đang quảng bá hệ thống thanh toán SPFS của mình như “viên đạn bạc” đáng tin cậy kể từ khi nhiều ngân hàng của nước này bị ngắt kết nối với SWIFT đầu năm nay. SPFS có chức năng tương tự như SWIFT, bảo đảm chuyển giao an toàn các thông điệp tài chính giữa các ngân hàng cả trong và ngoài nước.

Minh chứng rõ nhất cho thấy Nga đang đẩy mạnh tham vọng “Đông tiến” ở mặt trận năng lượng chính là gói đầu tư “khủng” mà Gazprom vừa công bố. Mức tăng chi tiêu cho năm 2023 lên tới 35 tỷ USD là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn kể từ năm 2014 trong bối cảnh Moscow “xoay trục” về các nền kinh tế lớn ở châu Á với hàng loạt các dự án quy mô lớn. Đường ống Power of Siberia dẫn khí đốt từ Nga sang đông bắc Trung Quốc đã đi vào hoạt động, cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm khi đạt công suất thiết kế vào năm 2025. Trong khi đó, Gazprom cũng ấp ủ kế hoạch vận hành Power of Siberia 2 đi qua phía đông Mông Cổ từ năm 2030, có khả năng vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, gần bằng công suất tối đa của Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí đốt chính từ Nga sang Đức.

Theo China Daily, Trung Quốc được xem là điểm tựa cho kinh tế Nga trong lúc các đòn trừng phạt từ phương Tây áp lên Moscow chưa thuyên giảm. Cường quốc châu Á là một trong những nhà tiêu thụ dầu thô và khí đốt hàng đầu của Nga. Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của Rosneft cho biết, Nga là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai cho Trung Quốc, với khối lượng tăng 9,5% lên 72 triệu tấn trong 10 tháng năm 2022. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga khi thương mại song phương vượt mức 136 tỷ USD trong 3 quý năm nay; trong đó hợp tác năng lượng đạt gần 60 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch.

Nga, Kazakhstan và Uzbekistan cân nhắc lập liên minh ba bên để hỗ trợ vận chuyển khí đốt giữa ba quốc gia và sang nước khác. Ba nước này được kết nối bởi hệ thống đường ống dẫn khí đốt Trung tâm Trung Á. Đây là mạng lưới các tuyến đường khí đốt tự nhiên do Gazprom kiểm soát, chạy từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan tới Nga. Ngoài ra, còn có đường ống riêng biệt Trung Á - Trung Quốc đi qua cả Uzbekistan và Kazakhstan, trên đường từ Turkmenistan đến Trung Quốc.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.