Ukraine mong đợi thêm hỗ trợ từ Mỹ

.

Ngày 21-12 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ thăm Mỹ và có cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 300 ngày. Với sứ mệnh thuyết khách, ông Zelensky quyết tâm tìm thêm hỗ trợ từ Washington trong bối cảnh sự sống còn của Ukraine phụ thuộc rất lớn vào cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế từ bên ngoài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky  trong cuộc gặp tại Washington, DC năm 2021. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Washington, DC năm 2021. Ảnh: AP

Mỹ hiện là bên hỗ trợ quan trọng nhất cho Ukraine trong xung đột với các khoản viện trợ ước tính 50 tỷ USD, trong đó khoảng 20 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Kiev.

Chờ đợi viện trợ khổng lồ

Theo CNN, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhận định, chuyến thăm mang tính biểu tượng và cực kỳ quan trọng của ông Zelensky cho thấy cam kết kiên định và lâu dài của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine sẽ có các cuộc thảo luận chuyên sâu ở loạt chủ đề, bao gồm chiến lược trên chiến trường, năng lượng và các biện pháp trừng phạt. Dự kiến, bên cạnh cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden, ông Zelensky còn có cuộc gặp với các thành viên chủ chốt trong đội cố vấn an ninh quốc gia và nội các của ông Biden, phát biểu trước báo giới và sau đó là cơ hội tham dự phiên họp chung tại Quốc hội. Hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh này.

Theo AFP, tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống tên lửa Patriot giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích, cũng như kế hoạch huấn luyện các lực lượng Ukraine về cách vận hành tên lửa Patriot. Việc Tổng thống Mỹ công bố gói an ninh mới này, với sự có mặt của ông Zelensky, nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ tới các bên liên quan trong xung đột, cùng với người dân ở Ukraine và Mỹ, rằng ông Biden sẽ không giao động trong nỗ lực giúp Ukraine.

Chuyến công du của Tổng thống Ukraine diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.660 tỷ USD, trong đó có đề xuất chi 44,9 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), qua đó giúp nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên hơn 100 tỷ USD.

Mỹ tránh bị cuốn vào xung đột

Chuyến công du của ông Zelensky diễn ra vào thời điểm chín muồi, được xem là cứu cánh cho nền kinh tế đang “co rút” lại của Ukraine, đặc biệt trước thời điểm đảng Cộng hòa của Mỹ chính thức tiếp quản Hạ viện với cảnh báo sẽ không có “séc trắng” cho Ukraine vào năm sau. Dễ dàng nhận thấy kinh tế đang trở thành mặt trận then chốt trong cuộc xung đột vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine đang đứng trước nguy cơ thảm họa kinh tế với thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ do xung đột gây ra. Hệ thống năng lượng của Ukraine bị tàn phá khiến các trụ cột chính của nền kinh tế là khai thác than, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin bị đình trệ.

Theo một quan chức Ukraine, nền kinh tế nước này có thể giảm thêm 5% trong năm 2023, trên mức đã giảm 33% năm 2022. “Mỹ và các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine vừa đủ để tránh siêu lạm phát nhưng rõ ràng có nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn và cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là cung cấp thêm hỗ trợ tài chính”, ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall (Mỹ) nói.

Các nhà quan sát nhận định, Mỹ có thể sẽ vượt chính lằn ranh do nước này đặt ra khi cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine vốn có thể khiến Washington đối mặt với thách thức mới. Trong khi đó, Nga phát cảnh báo về những “hậu quả” nếu Mỹ cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine khi coi đây là hành động can dự sâu hơn của Mỹ vào xung đột.

Trong tình thế Mỹ không nhận thấy một con đường ngoại giao khả dĩ nào về chấm dứt xung đột trong thời gian tới, Tổng thống Joe Biden vẫn kiên định trong việc tăng cường hỗ trợ an ninh nhiều hơn cho Ukraine song sẽ hết sức cẩn trọng để tiếp tục tránh xung đột trực tiếp với Nga. “Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tiến về phía trước và tích cực hỗ trợ Ukraine trên các mặt trận quân sự, kinh tế, năng lượng và nhân đạo nhưng chúng tôi không tìm cách tham gia vào xung đột trực tiếp với Nga và điều đó sẽ không thay đổi trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo”, quan chức Nhà Trắng lưu ý; đồng thời khẳng định chính quyền Tổng thống Biden cam kết không đưa quân vào Ukraine.

Hỗ trợ liên tiếp của phương Tây cho Ukraine
Tổng thống Zelensky liên tiếp đón nhận hàng loạt cam kết viện trợ tài chính từ các nước phương Tây. Ngày 10-12, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói văn kiện về cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ tín dụng trị giá 18,9 tỷ USD trong năm 2023. Tương tự, ngày 19-12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố khoản viện trợ của nước này dành cho Ukraine “bằng hoặc vượt” mức 2,8 tỷ USD trong năm tới. Ngày 20-12, Ngân hàng Thế giới (WB) “bật đèn xanh” gói cứu trợ mới trị giá 610 triệu USD cho Kiev.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.