Quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche có "tan băng"?

.

Kể từ khi Anh tiến hành kế hoạch Brexit, quan hệ giữa nước này với Pháp, đồng minh chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên căng thẳng do hàng loạt xích mích, trong đó có tranh cãi về quyền đánh bắt cá và di cư bất hợp pháp.

Về quyền đánh bắt cá, Anh khẳng định đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31-12-2020, tương đương giải quyết 98% các đơn xin cấp phép của liên minh như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên, Pháp phàn nàn số còn lại không được cấp phép chủ yếu là tàu thuyền của nước này. Anh cho biết chỉ từ chối cấp phép cho các tàu không chứng minh được lịch sử đánh cá trong vùng biển của nước này trước Brexit, trong khi Paris cáo buộc London cố tình kéo dài quy trình cấp phép, gây bất lợi cho các tàu đánh cá của Pháp.

Dù đến nay, chuyện đánh bắt cá đã hạ nhiệt nhưng đôi bên vẫn còn những khúc mắc cần giải quyết thông qua đàm phán. Đi đôi với vấn đề này thì hai bên còn có bất đồng về di cư bất hợp pháp. Eo biển Manche, nằm giữa Pháp và Anh với chỗ hẹp nhất giữa hai bờ có khoảng cách 33km, được đánh giá là một trong những vùng biển nhộn nhịp và nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người di cư mạo hiểm vượt qua “eo biển tử thần” để tới nước Anh. Có 45.756 người di cư trái phép vượt qua eo biển Manche bằng tàu thuyền cỡ nhỏ để tới đảo quốc này năm 2022, tăng mạnh so với con số 28.526 năm 2021.

Đôi bên không ít lần đỗ lỗi cho nhau, nhất là khi xảy ra các vụ đắm thuyền làm chết nhiều người di cư trên eo biển Manche. Khi trả lời báo chí về lý do dòng người di cư bất chấp nguy hiểm vượt biển từ Pháp vào Anh, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho rằng, biện pháp quản lý vấn đề di cư yếu kém của London, cùng việc cho phép lao động không giấy tờ làm việc với mức lương thấp, là nguyên nhân chính. Ðáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nhấn mạnh, việc ngăn cản người di cư vượt biển từ Pháp sang Anh là trách nhiệm của Paris và nhà chức trách Pháp cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn thảm kịch tương tự tái diễn. Một động thái khác cũng khiến quan hệ song phương thêm ​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​lục đục chính là thỏa thuận tàu ngầm của liên minh ba bên Mỹ - Anh - Úc.

Tuy nhiên, cả Anh và Pháp là những thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và xung đột Nga-Ukraine đã làm cho cả châu Âu trở nên bất ổn kể từ sau Thế chiến 2, nên việc hàn gắn quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche càng trở nên cấp cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đáng chú ý, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến Paris ngày 10-3 tới. Đây là hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm gián đoạn, giúp tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực, gồm an ninh, khí hậu, năng lượng, kinh tế, di cư và chính sách đối ngoại chung. Thủ tướng Anh Sunak hy vọng hội nghị sắp tới sẽ là cơ hội để hai bên tìm tiếng nói chung về vấn đề đánh bắt cá, di cư trái phép qua eo biển Manche và đạt sự ủng hộ cho quá trình đàm phán về các quy tắc thương mại thời hậu Brexit trong Nghị định thư Bắc Ireland.

Việc giải quyết bất đồng liên quan tới nghị định trên là chìa khóa để thắt chặt lại quan hệ giữa Anh với Pháp, cũng như với EU. Bế tắc lâu nay trong quá trình đàm phán đã ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền Bắc Ireland, do đảng Liên minh Dân chủ tẩy chay cơ quan điều hành và hội đồng chia sẻ quyền lực cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Động thái nối lại cuộc họp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước được xem là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Anh và các đối tác quan trọng trong EU đang “tan băng” kể từ khi ông Boris Johnson rời vị trí Thủ tướng Anh vào tháng 9-2022.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.