Thái Lan đưa ra lộ trình chấm dứt nhập nhựa phế liệu

.

Theo những số liệu thống kê khác nhau, Thái Lan nhập khẩu từ 150.000 đến hơn 550.000 tấn nhựa phế liệu mỗi năm. Con số này tăng dần kể từ năm 2018 khi lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc có hiệu lực.

Các nhân viên môi trường Thái Lan đang thu gom rác thải. Ảnh: Channel News Asia
Các nhân viên môi trường Thái Lan đang thu gom rác thải. Ảnh: Channel News Asia

Đài Channel News Asia dẫn thông tin từ ông Tara Buakamsri, Giám đốc quốc gia phụ trách chiến dịch bảo vệ môi trường tại Thái Lan của tổ chức Greenpeace cho biết, số rác nhựa nhập vào Thái Lan chủ yếu từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ. Ngành công nghiệp nhựa nhận định, tái chế là giải pháp để giảm bớt rác nhựa nhưng tại Thái Lan, nơi tập trung phần lớn rác nhựa của thế giới, công nghiệp tái chế này đang tạo ra một loạt các vấn đề tiêu cực và khó giải quyết.

Vì sao nhập khẩu nhựa phế liệu?

Thực tế, một vấn đề gây thắc mắc với nhiều người là vì sao Thái Lan phải nhập khẩu nhựa phế liệu (plastic scrap) trong khi lượng rác nhựa trong nước hiện đủ cung cấp cho ngành công nghiệp tái chế của họ. Lý giải về thực trạng này, ông Varawut Silpa-archa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, cho biết, vì người Thái tới nay vẫn chưa có thói quen bỏ rác đúng chỗ, rất nhiều nguồn rác nhựa đã không được thu gom tái chế mà bị vứt ngoài bãi rác. Theo đó, các công ty tái chế nếu muốn tận dụng nguồn rác này thì lại phải tốn thêm chi phí để làm sạch và xử lý. “Đó là lý do vì sao họ bắt đầu phải nhập khẩu nhựa phế liệu từ nước ngoài”, ông Varawut Silpa-archa nói.

Tuy nhiên, ngay với rác nhập lại cũng phát sinh nhiều vấn đề. Trong quá trình thanh tra các container rác nhựa nhập, nhà chức trách phát hiện chỉ có lớp trên dày vài mét là nhựa phế liệu, còn lại chỉ là rác đúng nghĩa. Sau khi phát hiện một số vụ việc như vậy, nhà chức trách Thái Lan buộc phải gửi trả những container hàng này về cho “chính chủ”. Song, việc truy vết nguồn gốc rác không đơn giản.

“Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thấy nhựa đã nằm sẵn ở cảng, Khi không ai chịu nhận, gánh nặng đè lên chính quyền địa phương và các cơ quan ở nhiều cấp độ khi phải giải quyết chúng”, ông nói thêm. “Các nước phát triển phải dừng việc xuất khẩu những loại rác thải độc hại tới các nước đang phát triển”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan nhấn mạnh, tuy nhiên cũng thừa nhận hệ thống quản lý rác thải trong nước vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Đến nay, Thái Lan có hơn 2.000 bãi rác và chúng đều đang đầy  rất nhanh như thừa nhận của ông Varawut. Rác nhựa đã tăng mạnh trong thời điểm Covid-19, nhất là khi phải áp dụng các lệnh phong tỏa phòng dịch. Theo cơ quan môi trường thuộc chính quyền thủ đô Bangkok (BMA), lượng rác nhựa thu gom hằng ngày tại Bangkok đã tăng từ khoảng 10% lên 25% chỉ trong một năm qua.

Lộ trình 20 năm

Để hướng tới dần giải quyết triệt để vấn đề, Thái Lan đã triển khai một số bước đi nhất định. Chính phủ lên kế hoạch ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhựa phế liệu triệt để từ năm 2025 và thực hiện dần theo lộ trình 3 năm kể từ 2022. “Thái Lan không thể trở thành bãi chứa rác nhựa. Cho tới hết 3 năm tới, chúng ta sẽ không cho phép nhập khẩu rác nhựa từ bất cứ đâu trên thế giới. Chúng ta phải bảo vệ đất nước mình. Đây là bước quan trọng để giúp đất nước không còn rác nhựa”, ông Varawut Silpa-archa khẳng định.

Lệnh cấm nhập rác nhựa đã được thảo luận từ năm 2020 nhưng phải mãi tới tháng 9-2022 chính quyền Thái Lan mới quyết liệt triển khai. Theo đó, ủy ban tư vấn chính sách cho Chính phủ nhất trí cho phép 14 nhà máy ở các khu tự do thương mại được nhập nhựa phế liệu cho tới năm 2024 theo hai giai đoạn nhưng đi kèm với những hạn chế cụ thể để từ từ giảm dần, tiến tới cấm hẳn.

Song song với đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm của bộ này sẽ soạn thảo kế hoạch quản lý rác nhựa giai đoạn 2023-2027, tập trung vào 4 lĩnh vực chính, trong đó có xóa bỏ rác nhựa ở bãi rác và dùng cho tái chế từ năm 2027. Ngoài kế hoạch ngừng nhập nhựa phế liệu, Thái Lan đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhằm tái chế và sử dụng tối đa nguồn tài nguyên, đặt mục tiêu tới năm 2027 sẽ chấm dứt việc thải ra rác nhựa.

Cấm 4 loại rác nhựa phổ biến

Kể từ ngày 1-1-2023, lệnh cấm 4 loại rác nhựa phổ biến nhất trong sinh hoạt hằng ngày có hiệu lực tại Thái Lan, gồm đồ nhựa dùng một lần, các loại hộp đựng thức ăn làm từ polystyrene, ly nhựa và ống hút nhựa. Đây là một phần trong kế hoạch 20 năm (từ 2018-2037) có tên “Lộ trình quản lý rác nhựa” của Chính phủ nước này.

Thực tế, quốc gia Đông Nam Á này cũng triển khai rất thành công chiến dịch giảm thiểu rác nhựa có tên “Every Day Say No to Plastic Bags” (tạm dịch: Mỗi ngày nói không với túi nilon). Chiến dịch là sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 75 doanh nghiệp kể từ năm 2018 nhằm mục tiêu giảm 2 tỷ túi nilon/ năm.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.