Tính toán của Tổng thống Hàn Quốc với chuyến thăm UAE

.

Tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm cấp nhà nước tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với mong muốn thiết lập nền tảng thịnh vượng chung cho hai nước trong bối cảnh UAE dần tách khỏi sự phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên trái) hội đàm với người đồng cấp UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi ngày 15-1 (giờ địa phương).  Ảnh: The Korea Post
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên trái) hội đàm với người đồng cấp UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi ngày 15-1 (giờ địa phương). Ảnh: The Korea Post

Chuyến thăm kéo dài 4 ngày mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên tới quốc gia Trung Đông của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1980. Ngoài ra, Tổng thống Yoon Suk-yeol là nhà lãnh đạo đầu tiên thăm UAE kể từ khi Tổng thống Mohamed bin Zayed Al Nahyan nhậm chức hồi tháng 5-2022. “Tôi mong chuyến thăm này sẽ giúp đưa hợp tác kinh tế song phương lên một tầm cao mới. Hòa bình và ổn định ở Trung Đông và trên Bán đảo Triều Tiên là những yếu tố quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu”, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh.

Theo hãng WAM (UAE), ngày 15-1, Hàn Quốc và UAE ký 13 biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác ở nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng và vũ khí. Theo đó, hai nước ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác năng lượng chiến lược. Theo thỏa thuận về dự trữ dầu, Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi sẽ lưu trữ dầu thô tại nhà máy Yeosu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc, qua đó giúp Hàn Quốc rút ngắn thời gian mua dầu của UAE khi xảy ra khan hiếm nguồn cung. Ngoài ra, hai bên cũng ký một số MoU khác về đẩy nhanh chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng carbon, thiết lập quan hệ đối tác thị trường carbon tự nguyện, hợp tác phát triển máy bay vận tải đa năng và thiết lập quan hệ đối tác đầu tư chiến lược giữa các  ngân hàng của hai nước.

Dự án đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc ở UAE vẫn là nhà máy điện hạt nhân Barakah vốn nằm trong kế hoạch của Seoul về xây dựng các lò phản ứng nguyên tử ở nước ngoài. Cơ sở trị giá 20 tỷ USD nằm ở sa mạc phía tây của sẽ đáp ứng gần một phần tư tổng nhu cầu điện của nước vùng Vịnh này. Đây cũng là chìa khóa cho kế hoạch trung hòa carbon của UAE vào năm 2050 - một cam kết có tầm quan trọng đặc biệt khi nước này chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 bắt đầu vào tháng 11-2023 tại Dubai; đồng thời tạo đòn bẩy cho sự hình thành “liên minh trung hòa carbon” với Hàn Quốc.

Đáng chú ý là tuyên bố của UAE về kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD vào Hàn Quốc, trong các lĩnh vực chủ chốt gồm năng lượng và quốc phòng, đánh dấu thỏa thuận đầu tư lớn nhất giữa UAE và các nước khác. “Chúng tôi quyết định đầu tư với niềm tin vào Hàn Quốc, nước luôn giữ lời hứa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi rất ấn tượng khi các công ty Hàn Quốc luôn thực hiện hợp đồng bất kể khó khăn như trong giai đoạn Covid-19.”, Tổng thống UAE nhấn mạnh.

Yonhap dẫn lời một quan chức ở Abu Dhabi cho biết: “Đây là thời cơ cực kỳ chín muồi cho hợp tác an ninh hoặc quân sự giữa Hàn Quốc và UAE liên quan đến ngành công nghiệp vũ khí”. Theo Viện nghiên cứu Trung Đông của Mỹ, quan hệ giữa UAE và Hàn Quốc phát triển sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8-2021. Tháng 12-2021, UAE đã đình chỉ các thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-35 và máy bay không người lái tấn công trị giá 23 tỷ USD do Mỹ sản xuất. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Washington. Sau đó, Abu Dhabi đồng ý mua hệ thống phòng không M-SAM từ Hàn Quốc với giá 3,5 tỷ USD. Đây là hệ thống phòng không tiên tiến được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao dưới 40km (25 dặm). Thương vụ này cho thấy UAE muốn nâng cao năng lực phòng không sau khi nước này trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa của phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn.

Theo các nhà quan sát, bên cạnh tìm kiếm các thương vụ bán vũ khí, chuyến thăm Tổng thống Yoon Suk-yeol thể hiện mức độ cần thiết trong việc xây dựng năng lực công nghệ tự chủ của Hàn Quốc, đặc biệt là kích thích ngành công nghiệp chip nội địa phát triển, tránh nguy cơ gia tăng sự lệ thuộc vào các cường quốc nước ngoài.

Chuyến công du cũng cho thấy tính toán của Hàn Quốc trong việc củng cố mối quan hệ với UAE như bàn đạp để thúc đẩy mối liên kết với toàn khu vực Trung Đông bởi UAE là nước Trung Đông duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Hàn Quốc. Seoul đang tập trung các nỗ lực chính trị nhằm mở rộng tầm nhìn ngoại giao trong năm nay bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia chia sẻ giá trị chung nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng toàn cầu phức tạp. Đây cũng là một phần trong nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia then chốt toàn cầu, thông qua chính sách ngoại giao phòng ngừa và chủ động.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.