Bốn điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin

.

Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội tập trung vào 4 điểm chính, trong đó có việc Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) và cáo buộc phương Tây mở mặt trận kinh tế chống Liên bang Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 21-2. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 21-2. Ảnh: AFP/TTXVN

Đình chỉ tham gia hiệp ước New START

Theo đài Sputnik, Tổng thống Nga đã đưa ra một thông báo lớn trong bài phát biểu, nói rằng Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Ông nói: “Hôm nay tôi phải thông báo rằng Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Tôi xin nói lại lần nữa rằng Nga không rút khỏi hiệp ước, mà cụ thể là đình chỉ tham gia”.

Theo ông Putin, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư liên quan đến New START mà Nga không thể chấp nhận được. Ông Putin cho rằng thông qua các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trên thực tế, Mỹ đang đưa ra một tối hậu thư là Nga phải thực hiện mọi thứ đã nhất trí, gồm cả Hiệp ước START, còn Mỹ sẽ hành xử theo ý mình.

Hồi đầu tháng 2, NATO đã ra tuyên bố yêu cầu Nga quay trở lại thực hiện New START, cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân và quốc phòng của Nga. Bình luận về vấn đề này, ông Putin nói trong Thông điệp Liên bang: “Giờ đây, họ muốn kiểm tra các cơ sở quốc phòng của chúng tôi. Trong điều kiện hiện tại và cuộc xung đột hiện nay, điều này đơn giản nghe có vẻ phi lý”.

Trước đó, hồi cuối tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước New START, khi không cho phép Mỹ tiến hành hoạt động thanh sát và từ chối cuộc gặp với Mỹ để thảo luận việc tuân thủ hiệp ước này.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-1 cho biết, việc Nga từ chối các hoạt động thanh sát đã cản trở Mỹ thực hiện các quyền quan trọng của mình được quy định trong Hiệp ước, đồng thời đe dọa tính khả thi của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng phối hợp với Nga trong việc thực hiện hoàn toàn Hiệp ước này.

Bác bỏ cáo buộc từ Mỹ, ông Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), khẳng định Mỹ mới là bên vi phạm nghĩa vụ với New START trước tiên.

Nga đã hoãn đàm phán vô thời hạn các cuộc đàm phán với Mỹ về việc nối lại hoạt động thanh sát theo quy định của Hiệp ước New START, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2022, tại Ai Cập. Điện Kremlin cho biết họ không thể đàm phán trong trường hợp Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002.

Đầu năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Nga và Mỹ cho phép mỗi năm các bên được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START.

Tuyên bố Nga không gây chiến với người dân Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang trước hai viện Quốc hội tại Moskva ngày 21-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang trước hai viện Quốc hội tại Moskva ngày 21-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu, Tổng thống Nga chủ yếu tập trung vào tình hình ở Ukraine, nơi Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt kể từ ngày 24-2-2022. Ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không gây chiến với người dân Ukraine. Ông cho rằng người dân Ukraine là “con tin” trong cuộc xung đột vì Ukraine đang bị sử dụng làm công cụ và bệ phóng cho cuộc xung đột chống Nga.

Ông Putin nói rằng Nga đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, một năm trước, Nga đã buộc phải can thiệp để bảo vệ những người dân sống trên vùng đất lịch sử của Nga.

Ông Putin cáo buộc: “Những lời hứa của các nhà cầm quyền phương Tây, những tuyên bố của họ về mong muốn thiết lập hòa bình ở Donbass, như chúng ta thấy bây giờ, đã trở thành điều giả mạo, một lời nói dối... Họ chỉ câu giờ”.

Ông Putin có ý nói tới thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 mà các cựu lãnh đạo Đức và Pháp đã thừa nhận rằng thỏa thuận này không nhằm mục đích chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Donbass, mà là một động thái nhằm chuẩn bị cho Ukraine tiến hành chiến tranh chống Nga.

Chỉ trích giới lãnh đạo phương Tây

Tổng thống Putin chỉ ra rằng Nga đã dành nhiều năm để tìm kiếm cuộc đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm đề xuất một hệ thống an ninh chung dựa trên sự bình đẳng đều vấp phải phản ứng. Tông thống Putin cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang chơi trò chơi nước đôi trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm hiện nay chống lại Nga ở Ukraine giống như trong trường hợp của các quốc gia khác như Nam Tư, Iraq, Libya, Syria.

Vào tháng 12-2021, Nga chính thức gửi cho NATO các bản dự thảo về thỏa thuận đảm bảo an ninh, cũng như yêu cầu liên minh này từ bỏ kế hoạch mở rộng sang Ukraine, nhưng đã nhận được lời từ chối trực tiếp về mọi mặt.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng từ việc mở rộng NATO về phía biên giới Nga đến việc triển khai các phòng thí nghiệm sinh học bí mật ở gần nước này, Mỹ và các đồng minh đã cố tình sử dụng Ukraine làm một công cụ trong một cuộc chiến lớn.

Cáo buộc phương Tây mở mặt trận kinh tế chống Nga

Người dân theo dõi qua màn hình Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp Liên bang 2023 tại thủ đô Moskva, ngày 21-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân theo dõi qua màn hình Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp Liên bang 2023 tại thủ đô Moskva, ngày 21-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Putin tuyên bố phương Tây đã tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng sau chiến dịch tại Ukraine, nhưng không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng ngược, dội lại bên trừng phạt và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ông Putin nói: “Phương Tây đã mở ra không chỉ các mặt trận chống Nga về quân sự và thông tin mà còn cả mặt trận kinh tế. Nhưng không ai đạt được điều gì ở bất cứ đâu và sẽ không đạt được điều gì xa hơn. Hơn nữa, những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt đang tự trừng phạt chính họ. Họ đã làm tăng lạm phát ở nước họ, mất việc làm, đóng cửa các công ty, khủng hoảng năng lượng”.

Trong khi nhiều nước phương Tây đang phải đối mặt với lạm phát phi mã, thì ở Nga, tỷ lệ này được thiết lập để đạt đến mức mục tiêu 4% trong quý 2/2023.

Khi các nước phương Tây tiếp tục trừng phạt Nga với hy vọng phá vỡ đồng ruble, nước này đảm bảo rằng tỷ trọng của đồng nội tệ trong các khoản thanh toán ngoại thương đã tăng gấp đôi trong năm qua, chiếm 1/3 và với đồng tiền của các quốc gia thân thiện, con số này là hơn một nửa.

Tổng thống Nga nhấn mạnh nền kinh tế Nga hóa ra có khả năng phục hồi tốt hơn so với dự đoán của phương Tây, cho dù phương Tây đã cố gắng cắt đứt quan hệ kinh tế với các công ty Nga, ngắt kết nối hệ thống tài chính nhằm phá hủy nền kinh tế Nga, tước quyền tiếp cận thị trường xuất khẩu của Nga để làm giảm ngân sách.

Phản ứng quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 8-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 8-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức một số nước đã có những bình luận về Thông điệp Liên bang của ông Putin.

Sau khi Nga đình chỉ tham gia New START, ngày 21-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc này. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens khi đang thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ theo dõi mọi hành động của Nga nhằm đảm bảo rằng trong bất kỳ tình huống nào, Mỹ và các đồng minh của mình đều ở thế an toàn.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg bày tỏ lấy làm tiếc và kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình.

Ngày 21-2, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho rằng thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng tỏ ông ấy đã mất kết nối với tình hình thực tế.

Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chỉ trích lời cáo buộc của Tổng thống Putin về việc phương Tây đe dọa Nga và đã buộc nước này phải đưa quân vào Ukraine. Ông Sullivan nêu rõ: "Không một ai tấn công Nga”.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã xem bài phát biểu ngày 21-2 của Tổng thống Nga mang tính "tuyên truyền".

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.