"Cơn địa chấn" trong quan hệ Mỹ-EU

.

Những ngày gần đây, căng thẳng tiếp tục gia tăng quanh vụ nổ khiến hai đường ống Nord Stream 1 và 2 hư hỏng nghiêm trọng vào tháng 9-2022. Đây là công trình do tập đoàn Gazprom (Nga) khai thác, vận chuyển khí đốt từ Nga vào Đức. Tại thời điểm xảy ra sự cố, Mỹ và các nước châu Âu coi vụ việc là hành vi phá hoại có chủ đích. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ phá hoại chưa từng có đối với hệ thống đường ống này là hành động khủng bố quốc tế.

Đáng chú ý, Mỹ và phương Tây suy luận, trong số các nghi phạm đứng sau hành động phá hoại Nord Stream thì Nga có khả năng cao nhất, bởi điều này phù hợp với mục tiêu của Điện Kremlin là sử dụng “vũ khí năng lượng” để đáp trả Liên minh châu Âu (EU) vì đã ủng hộ Ukraine?! Tuy nhiên, Nga chỉ trích cáo buộc này và nhấn mạnh, vụ rò rỉ đường ống là vấn đề lớn đối với nước này, đồng thời kêu gọi các bên suy nghĩ cẩn trọng trước khi đưa ra tuyên bố và chờ kết quả điều tra. Do 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch nên các cuộc điều tra riêng rẽ do chính quyền hai nước này và Đức thực hiện mà không có sự giám sát của Nga và đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.

Tuy nhiên, hôm 8-2, ông Seymour Hersh, nhà báo Mỹ điều tra từng đoạt giải Pulitzer, đưa ra tiết lộ gây chấn động dư luận quốc tế khi đăng bài báo trên blog cá nhân mới ra mắt trên Substack khẳng định các đường ống đã bị chính Mỹ phá hủy vào tháng 9-2022 một cách bí mật. Theo đó, ông Hersh trích dẫn nguồn tin nắm trực tiếp về kế hoạch hoạt động và nói rằng chất nổ đã được các thợ lặn Hải quân Mỹ đặt tại các đường ống dẫn khí đốt vào tháng 6-2022 dưới vỏ bọc cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ba tháng sau, quả bom được kích nổ bằng tín hiệu từ xa của phao định vị thủy âm gửi đến do máy bay giám sát của Hải quân Na Uy thả xuống gần đường ống Nord Stream.

Ngay lập tức, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson tuyên bố, thông tin trong bài báo của Hersh hoàn toàn hư cấu. Bộ Ngoại giao Na Uy cũng bác bỏ mọi thông tin của ông Hersh. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 10-2 nói: “Nếu nhà báo Hersh đang nói sự thật thì những gì ông ấy tiết lộ rõ ràng là không thể chấp nhận được và phải được giải thích. Mỹ nợ thế giới một lời giải thích có trách nhiệm”. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, các quốc gia châu Âu đang tìm cách che đậy danh tính bên đứng sau vụ phá hoại hai đường ống.

Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi triển khai điều tra sau khi có thông tin cáo buộc Mỹ liên quan đến vụ nổ. Ông Peskov cho rằng, không nên bỏ qua hành động tấn công nhằm vào Nord Stream mà không tiến hành điều tra và trừng phạt đối tượng liên quan. Cùng ngày, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nga để ngỏ khả năng Moscow sẽ thực hiện hành động pháp lý hoặc chính trị liên quan tới thông tin trên.

Theo các nhà phân tích, sự cố Nord Stream không chỉ là mục tiêu mà Mỹ nhắm đến để gây bất lợi cho Nga như ông Grushko lý giải, mà còn là cú “đâm sau lưng” vào các đồng minh chủ chốt của Washington ở châu Âu vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch và là tài sản của một số chính phủ, trong đó chủ yếu là Đức. Mặt khác, vụ tấn công còn nhằm đẩy nhanh quá trình ngăn chặn dòng khí đốt của Nga vào EU để tạo cơ hội “vàng” cho các nhà kinh doanh khí hóa lỏng của Mỹ tiếp cận thị trường châu Âu trước mùa đông 2023 đang đến gần.

Bài điều tra của nhà báo Hersh về vụ nổ Nord Stream thật sự là “cơn địa chấn” sẽ khoét sâu bất đồng trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và cho thấy sự yếu thế của châu Âu trong mắt ông chủ Nhà Trắng. Hơn thế, điều này còn cho thấy khả năng Mỹ hối thúc châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine nhằm gia tăng lợi ích cho các tập đoàn tư bản Mỹ.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.