Một năm xung đột ở Ukraine: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp phiên đặc biệt

.

Ngay trước thời điểm đánh dấu tròn một năm bùng nổ xung đột tại Ukraine, Đại hội đồng LHQ (LHQ) tổ chức phiên họp đặc biệt, dự kiến thảo luận và bỏ phiếu về nghị quyết mới nhằm chấm dứt xung đột và tái lập hòa bình tại Ukraine.

Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.  Ảnh : NYT - Đồ họa: MAI ANH. Dữ liệu: IMF
Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Ảnh : NYT - Đồ họa: MAI ANH. Dữ liệu: IMF

Kêu gọi ủng hộ sáng kiến của LHQ

Phát biểu khai mạc phiên họp khẩn cấp, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi nêu rõ trong vòng 1 năm qua, LHQ, Tổng thư ký LHQ và toàn thể cộng đồng quốc tế đã thống nhất và nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột; kêu gọi tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh “hòa bình thực sự và lâu dài cần phải đặt trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Xung đột càng kéo dài thì khó khăn càng nhiều”.  Người đứng đầu LHQ hối thúc các bên liên quan, cộng đồng quốc tế tuân thủ các giá trị, nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương LHQ. Ông Guterres đồng thời kêu gọi các nước thành viên ủng hộ sáng kiến mới đây của LHQ dành một gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 5,6 tỷ USD giúp người dân Ukraine.

Theo kế hoạch, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do 60 nước bảo trợ vào cuối phiên họp đặc biệt. Bản dự thảo nghị quyết gửi tới các nước thành viên tham dự phiên họp nhấn mạnh tới “sự cần thiết phải đạt được càng sớm càng tốt một nền hòa bình lâu dài, công bằng và toàn diện ở Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ”.

Giống các nghị quyết trước đây của LHQ, bản nghị quyết mới tái khẳng định cam kết đối với “chủ quyền, độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời kêu gọi các bên ngừng ngay lập tức mọi hành động thù địch.  

Những thay đổi trước mắt và lâu dài

Đến nay, dường như chưa có nhận định nào chính xác về thời điểm xung đột tại Ukraine có thể chấm dứt nhưng thế giới chứng kiến những thay đổi lớn do cuộc chiến này gây ra.

Ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine với kinh tế thế giới rất rõ ràng. Nếu như trước xung đột, các nước EU chủ yếu nhập khẩu khoảng 1/2 lượng khí đốt tự nhiên và 1/3 dầu thô từ Nga nhưng sau đó các tỷ lệ này giảm xuống rất sâu. Việc EU tìm cách tách biệt với nguồn cung khí đốt của Nga được cho là thay đổi cơ bản nhất của EU về năng lượng.  Xung đột cũng đã làm rối ren thêm hoạt động thương mại toàn cầu vốn đang trong giai đoạn hồi phục sau Covid-19. Giá lương thực tăng cao do Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp bột mì và dầu hướng dương lớn nhất, và Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Xung đột cũng khiến Moscow bị gây sức ép lớn về kinh tế khi phải đối mặt quá nhiều lệnh trừng phạt. Các doanh nghiệp, doanh nhân lớn của Nga bị đưa vào danh sách “đen”, các thương hiệu lớn của quốc tế như McDonald, Ikea đã rút khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn có những mối quan hệ kinh tế khác, đặc biệt với Trung Quốc, và quan hệ quân sự với các nước như Iran và Triều Tiên.

Xung đột tại Ukraine cũng thúc đẩy các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn rời rạc trước đó nay có dịp gắn kết với nhau hơn. Ngay cả những nước vốn tuyên bố chọn hướng đi trung lập nhiều thập niên qua như Phần Lan, Thụy Điển cũng thay đổi lập trường và nộp đơn xin gia nhập liên minh này. Thực tế, việc ủng hộ Ukraine cũng vô tình trở thành “sứ mệnh chung” giúp hâm nóng mối quan hệ giữa Vương quốc Anh với các nước thành viên còn lại của EU sau Brexit.

Tuy nhiên, những rạn nứt nội khối của EU cũng đã xuất hiện khi lợi ích quốc gia của mỗi nước dẫn đến lập trường khác biệt. Chẳng hạn, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chối gửi vũ khí cho Kiev, vận động hành lang chống lại việc áp trừng phạt với Nga,…. Sự đoàn kết của EU sẽ còn tiếp tục được thử thách khi chiến sự ở Ukraine còn kéo dài.

Xung đột cũng mở ra thời đại bất ổn mới khi hơn 8 triệu người Ukraine đã phải sơ tán và tị nạn ở nước khác, bên cạnh hàng triệu người bị ảnh hưởng ít trực tiếp hơn. Một điều đáng lo ngại khác đó là nguy cơ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân trở lại và thậm chí là chiến tranh hạt nhân.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.