Sự hỗn loạn do cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra cơ hội chính trị và kinh tế cho một số bên.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của môi trường quốc tế. Ảnh: AFP |
Những tổn thất từ một năm xung đột ở Ukraine gần như không thể đo đếm được. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản, nhiều cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy. Xung đột đã góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu, đẩy nhiều người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vào tình trạng tuyệt vọng.
Trên phạm vi toàn cầu, cuộc xung đột đã phá vỡ các chuẩn mực địa chính trị truyền thống, khơi dậy nỗi lo sợ tiềm ẩn về xung đột hạt nhân. Nhìn chung, thế giới hiện là một nơi kém ổn định hơn so với một năm trước.
Nhưng cũng có những người hưởng lợi từ các sự kiện gây rối loạn toàn cầu và cuộc xung đột ở Ukraine là không ngoại lệ. Một số công ty, quốc gia và cá nhân đã kiếm được lợi nhuận tài chính hoặc đạt được lợi thế chính trị do xung đột và các tác động phụ của nó. Điều đó không có nghĩa là tất cả họ đã khuyến khích hoặc hỗ trợ 2 bên tiếp tục giao tranh, mà chỉ có nghĩa là họ đã hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kinh tế và năng lượng: Khi xung đột là cơ hội tốt cho kinh doanh
Đối với ngành công nghiệp dầu khí ngoài Nga, đây là một năm đầy thành công. Một cuộc xung đột liên quan đến nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới đã duy trì giá cao khi các nước châu Âu tìm cách chuyển đổi khỏi nguồn cung từ Nga. Tập đoàn ExxonMobil đã thu về 56 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2022, đánh bại kỷ lục của năm trước đó là 45,2 tỷ USD; tập đoàn Chevron đã công bố khoản lãi 35,5 tỷ USD, ngay cả khi các chính phủ tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Và khi nói đến kinh doanh năng lượng, một số quốc gia cũng được hưởng lợi. “Những người chiến thắng là một số quốc gia ở Trung Đông. Xung đột đã khiến các quốc gia như Đức phải thừa nhận rằng cần những nguồn cung khí đốt tự nhiên khác khi chưa sẵn sàng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo”, Rachel Ziemba, trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định.
Công ty dầu mỏ do nhà nước kiểm soát của Saudi Arabia đã có một năm kinh doanh đặc biệt tốt, với 42,4 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong quý 3/2022. Việc ngừng xuất khẩu qua đường ống khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu đã cho phép gã khổng lồ khí đốt Qatargia của Qatar tăng vị thế thống trị thị trường khí thiên nhiên toàn cầu; nước này đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt 15 năm với Đức vào tháng 11 năm ngoái.
Không chỉ các nhà sản xuất Trung Đông được hưởng lợi. Na Uy - nhà sản xuất dầu hàng đầu của châu Âu - đã thu được hơn 100 tỷ USD tiền bán dầu và khí đốt vào năm ngoái. Điều đó đã thúc đẩy cuộc tranh luận ở quốc gia có ý thức cao về vấn đề khí hậu liên quan đến cái mà một số nhà hoạt động gọi là “lợi nhuận chiến tranh”. Chính phủ Na Uy phản ứng bằng cách nêu bật khoản hỗ trợ tài chính trị giá hơn 1,63 tỷ USD mà nước này đã đổ vào Ukraine.
Các quốc gia đã và đang mua dầu của Nga cũng được hưởng lợi. Với việc dầu của Nga bán thấp hơn giá thị trường từ 20 đến 30 USD/thùng, Ấn Độ, một ví dụ nổi bật, hiện đang mua dầu của Nga nhiều hơn 33 lần so với một năm trước. Với thông báo rằng Ấn Độ đã mua 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga vào tháng trước, điều đó tương đương với khoản tiết kiệm hàng chục triệu USD/ngày cho Ấn Độ.
Tất nhiên, năng lượng không phải là mặt hàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột - và các nhà kinh doanh dầu mỏ và khí đốt không phải là những người hưởng lợi duy nhất từ thương mại thời chiến.
Tờ Thời báo Tài chính (Anh) gần đây đã đưa tin rằng Tập đoàn OCP của Ma rốc, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, đã có doanh thu kỷ lục vào năm ngoái, do sự sụt giảm xuất khẩu khí đốt của Nga đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các nhà sản xuất phân bón khác. OCP đã kiếm được 3,65 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng so với 1,99 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.
Cơ hội cho cho ngành công nghiệp quốc phòng
Với hàng tỷ USD vũ khí đang được gửi đến Ukraine và các quốc gia trên thế giới đang tăng cường ngân sách quốc phòng của họ để sẵn sàng ứng phó với giai đoạn mới của xung đột toàn cầu, ngành kinh doanh vũ khí đã và sẽ tiếp tục bùng nổ. Thật vậy, cổ phiếu của các công ty quốc phòng đã tăng đột biến sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhưng các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ đã không có một năm thuận lợi như suy đoán. Lockheed Martin, hãng sản xuất tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) - cả hai hệ thống vũ khí chủ chốt trong cuộc xung đột ở Ukraine - thực sự đã chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm vào năm ngoái. Raytheon, nhà sản xuất hệ thống phòng không NASAMS và Patriot - hai mặt hàng được đánh giá cao khác của Ukraine - không kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng cho đến năm sau.
Các nhà phân tích trong ngành cho biết, vấn đề là việc bán vũ khí diễn ra dựa trên các hợp đồng dài hạn, nhiều năm và các công ty trên vẫn chưa thấy dấu hiệu cho thấy nhu cầu sẽ tồn tại đủ lâu để họ tăng cường sản xuất. Xung đột công nghệ thấp, sử dụng nhiều pháo binh đang diễn ra ở Ukraine không phải là lĩnh vực trọng tâm chính của các công ty quốc phòng phương Tây trong những năm gần đây, và sẽ mất thời gian và tiền bạc để tăng cường sản xuất.
Như Dan Grazier, một thành viên chính sách quốc phòng tại Dự án Giám sát của Chính phủ, nói: “Đạn pháo 155 mm không hấp dẫn. Tiền đang được dùng để phát triển vũ khí mới tiếp theo”. Tất nhiên, cũng có nhu cầu về các hệ thống tinh vi hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các cam kết viện trợ đầy tham vọng của Lầu Năm Góc đã không được hỗ trợ bởi các đơn đặt hàng thực tế với các công ty sản xuất các hệ thống này.
Và trong khi các chính phủ phương Tây gây ồn ào về việc huy động “cơ sở công nghiệp quốc phòng” để sản xuất thêm vũ khí, Bill Greenwalt, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ lưu ý: “Rất nhiều công ty đang xem xét điều này và nghĩ: 'Họ nghiêm túc đến mức nào?'. Nếu lệnh ngừng bắn ở Ukraine được tuyên bố vào ngày mai, họ sẽ bị bỏ rơi, vì vậy không có động lực để thực hiện”.
Nhưng diễn biến ở châu Âu thì ngược lại, nới các công ty như Rheinmetall của Đức, nhà sản xuất xe tăng chiến đấu Leopard và nhà sản xuất đạn dược NAMMO của Na Uy-Phần Lan đã được hưởng lợi từ việc tăng đơn đặt hàng sau nhiều năm chi tiêu quốc phòng không đổi hoặc giảm trên lục địa này.
Và nếu - như nhiều chuyên gia dự báo - cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục kéo dài, mức độ căng thẳng hiện tại vẫn tiếp tục và Mỹ tiếp tục can dự, thì các công ty quốc phòng lớn của Mỹ cũng có thể được hưởng lợi.
Địa chính trị
Trong năm qua, Chính phủ Mỹ thường tìm cách miêu tả cuộc xung đột như một cuộc đấu tranh toàn cầu, với một bên là Nga và những nước ủng hộ Moskva, còn bên kia là Ukraine và các đồng minh dân chủ của họ. Nhưng một số quốc gia đã được hưởng lợi từ cuộc xung đột bằng cách từ chối chọn bên.
Trung Quốc và Nga đã tuyên bố nổi tiếng về “tình hữu nghị không giới hạn” chỉ vài tuần trước khi xung đột nổ ra. Trên thực tế, đã có những giới hạn: Trung Quốc đã không chính thức ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga hoặc cung cấp cho Moskva bất kỳ sự hỗ trợ quân sự trực tiếp nào. Nhưng họ đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống do lệnh trừng phạt đối với Nga để lại. Thương mại song phương của Trung Quốc với Nga tăng 31% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Giống như Ấn Độ, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc mua dầu của Nga với giá chiết khấu, trong khi Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng điện tử và hàng tiêu dùng. Về mặt chiến lược, Trung Quốc chắc chắn được hưởng lợi khi Mỹ bị chi phối ở châu Âu, bởi nếu không có cuộc xung đột này, Mỹ có thể sẽ dành thời gian và nguồn lực trong năm 2022 để tập trung vào việc kiềm chế các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Ngoài ra, rất ít nhà lãnh đạo thế giới biến cuộc xung đột thành lợi thế của mình nhiều như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Ukraine một lượng vũ khí đáng kể, bao gồm cả máy bay không người lái Bayraktar hiện là biểu tượng. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia cùng các đồng minh NATO trong việc trừng phạt Nga, duy trì cả quan hệ thương mại và chính trị với Moskva.
Ông Erdogan cũng đã thể hiện ảnh hưởng chính trị của mình - đóng vai trò then chốt trong việc đàm phán thỏa thuận mở lại Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc và gây áp lực với NATO bằng cách từ chối chấp thuận tư cách thành viên cho Thụy Điển và Phần Lan.
Bất chấp thách thức chưa được giải quyết trên, 2022 cũng là một năm thuận lợi đối với NATO, ngoài hai thành viên tiềm năng mới, liên minh này đã chứng kiến một số thành viên hiện tại cuối cùng tuyên bố họ sẽ tăng mức chi tiêu quốc phòng để phù hợp với các mục tiêu của NATO.
Khả năng NATO tiếp tục viện trợ cho Ukraine mà hầu như không có sự phản ứng cứng rắn nào từ Nga chứng tỏ vai trò của Điều 5 của liên minh về đảm bảo phòng thủ chung. Nói cách khác, cuộc xung đột cũng giúp cho NATO ý thức rõ ràng về mục đích của họ sau nhiều năm "hoang mang chiến lược".
Xung đột cũng đã tạo ra những người chiến thắng - theo một nghĩa nào đó - là các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và các nước vùng Baltic. Các quốc gia này đã cảnh giác với Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền và trong năm qua, họ dường như thường gây áp lực để EU phản ứng đối với cuộc xung đột.
“Tôi nghĩ tiếng nói của Đông Âu mạnh mẽ hơn so với trước đây. Khi các nước vùng Baltic hay Ba Lan nói về Nga, tôi nghĩ nó gần với thực tế hơn nhiều so với những gì nghe được từ các nước Tây Âu”, một quan chức EU cho biết, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng thừa nhận rằng: "Trung tâm của châu Âu đang di chuyển về phía Đông".
Cuối cùng, bên hưởng lợi là Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Biden nói chung bác bỏ quan điểm rằng họ đang can dự vào cuộc xung đột dưới hình thức ủy nhiệm với Nga. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái rằng "Mỹ muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc mà họ đã làm ở Ukraine”.
Nếu đó là mục tiêu, Mỹ cũng có thể được coi là một trong những quốc gia được hưởng lợi theo một số cách từ cuộc xung đột. Trong năm qua, Mỹ đã chứng kiến Nga, một quốc gia có lực lượng quân sự mạnh sở hữu vũ khí hạt nhân và là đối thủ hàng đầu của Mỹ bị tổn thất mà Mỹ không mất một binh sĩ nào. Trong khi số tiền mà Mỹ viện trợ cho Ukraine là đáng kể , thì con số này vẫn ít hơn rất nhiều so số tiền mà Washington đã chi ở Afghanistan trong suốt hai thập kỷ Mỹ hiện diện ở quốc gia này.
Trong năm qua, Mỹ cũng đã thành công trong việc tập hợp một liên minh toàn cầu mà nước này hiếm khi có thể xây dựng được trong những thập kỷ qua, ngay cả sau vụ tấn công khủng bố 11-9. Tuy nhiên, điều này có thể không kéo dài. Ngay cả chính quyền Biden cũng không cho rằng sự hỗ trợ toàn cầu dành cho Ukraine sẽ tiếp tục vô thời hạn và sự hỗ trợ đó sẽ càng khó đạt được nếu Ukraine không đạt được ưu thế trên thực địa trong những tháng tới. Ngoài ra, mặc dù viễn cảnh về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân dường như không còn như cách đây vài tháng, nhưng chúng vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Theo Báo Tin tức