Tổng thống Nga đọc thông điệp liên bang 2023

.

Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang 2023 tại Moscow, tập trung đề cập các vấn đề quan trọng trong nước và chính sách đối ngoại, trong đó có chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang tại Moscow ngày 21-2. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang tại Moscow ngày 21-2. Ảnh: TASS

Thực tế, toàn bộ cuộc sống ở Nga bây giờ xoay quanh diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vì lẽ đó, mọi người đều mong đợi Tổng thống Putin sẽ đánh giá những gì đang xảy ra, tương lai của chiến dịch, cũng như tình hình quốc tế và tầm nhìn phát triển kinh tế để ứng phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Phản ứng tương xứng với động thái của phương Tây

Theo TASS, Tổng thống Putin nêu rõ, Nga đang ở trong thời điểm khó khăn và mang tính bước ngoặt, ngay trước thềm các sự kiện lịch sử. Moscow đã làm mọi cách để giải quyết vấn đề Ukraine bằng biện pháp hòa bình. Với sự kiên nhẫn, Nga đang thương lượng một cách hòa bình để thoát khỏi xung đột khó khăn hiện nay nhưng một kịch bản hoàn toàn khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Theo đó, Moscow sẽ quyết định từng bước các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự này.

Về lý do Nga phát động chiến dịch ở Ukraine ngày 24-2-2022. Ông Putin tái khẳng định, trước thời điểm xung đột nổ ra, Nga luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây và đề xuất hợp tác trong nhiều năm để xây dựng cấu trúc an ninh chung nhưng bị phớt lờ. Chẳng hạn, Moscow đưa ra đề xuất an ninh vào tháng 12-2021 nhưng phương Tây không đáp ứng. Kiev đã đàm phán với phương Tây về cung cấp vũ khí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Bất chấp đề xuất của Moscow về hệ thống an ninh bình đẳng, phương Tây có các động thái đáng lo ngại, trong đó mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía đông.

Dựa trên những nhận định này, Tổng thống Putin cáo buộc chính phương Tây khơi mào xung đột trong khi Nga đang nỗ lực để ngăn chặn. Rõ ràng, không một nước nào khác có số lượng căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều như Mỹ, với số lượng lên đến hàng trăm. “Phương Tây đang tìm cách biến xung đột Ukraine thành cuộc đối đầu toàn cầu. Chúng tôi hiểu rõ toan tính này và sẽ phản ứng tương xứng”, người đứng đầu Điện Kremlin nói; đồng thời tuyên bố Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước nỗ lực của phương Tây nhằm chia rẽ xã hội nước này. Hiện, đa số người dân Nga đều ủng hộ chiến dịch quân sự. Được biết, các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong khi các quốc gia nghèo nhất năm 2022 chỉ được phân bổ 60 tỷ USD.

Phát triển hành lang kinh tế quốc tế mới

Tổng thống Putin cho biết, Nga sẽ mở rộng hệ thống kết nối kinh tế quốc tế đầy triển vọng đối với các quốc gia thân thiện, cũng như xây dựng hành lang cung ứng mới, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế của Moscow với các thị trường Đông Nam Á. Theo đó, chính phủ Nga quyết định mở rộng hệ thống đường cao tốc nối Moscow với các địa phương khác và có khả năng đến Kazakhstan, Mông Cổ và Trung Quốc, những nước làm cầu nối giúp mở rộng quan hệ kinh tế của Nga với các nước Đông Nam Á. 

Ngoài ra, Nga sẽ tập trung phát triển hành lang giao thông Bắc-Nam, mở ra các tuyến đường mới cho hợp tác kinh doanh với Ấn Độ, Iran và Pakistan, cũng như các nước Trung Đông. “Chúng tôi sẽ phát triển hệ thống cảng hiện đại ở Biển Đen và Biển Azov, đặc biệt tập trung vào hành lang quốc tế Bắc-Nam để mở tuyến hợp tác kinh doanh mới với Ấn Độ, Iran, Pakistan và các nước Trung Đông”, Tổng thống Putin nói.

Đề cập đến tình hình kinh tế trong nước, Tổng thống Putin khẳng định, nền kinh tế quốc gia vẫn trụ vững trước biện pháp trừng phạt của phương Tây. “Những tính toán của phương Tây đã không thành hiện thực. Nền kinh tế Nga và hệ thống quản trị cho thấy sức mạnh lớn hơn họ tưởng tượng”, ông Putin nói. Cụ thể, GDP của Nga năm 2022 chỉ giảm 2,1%, trái ngược với dự báo của phương Tây về sự sụp đổ kinh tế. Liên minh châu Âu (EU) quyết định gia hạn biện pháp trừng phạt Nga đến ngày 24-2-2024.

Thị trường lao động trong nước cải thiện rõ rệt. Trước Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, trong khi hiện tại là 3,7%, mức thấp lịch sử. Nhu cầu trong nước sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm nay. Các công ty của nước này sẽ chiếm lĩnh những thị trường nội địa bị bỏ trống sau sự ra đi hàng loạt của các công ty phương Tây và xây dựng lại các chuỗi cung ứng mới. Moscow đang phối hợp với các nước khác để xây dựng các hệ thống thanh toán và cấu trúc tài chính mới, một hệ thống thanh toán quốc tế độc lập với đồng USD. Một tín hiệu khả quan khác chính là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khi Nga có thể đưa tổng sản lượng ngũ cốc xuất khẩu lên 55-60 triệu tấn vào tháng 6-2023, vượt ngoài sức tưởng tưởng ở thời điểm 10 năm trước.

Nga tạm dừng hiệp ước hạt nhân với Mỹ
Theo TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga tạm dừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ. Đây là hiệp ước hạn chế hạt nhân cuối cùng của Mỹ và Nga. “Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược” mà ông Putin nhắc tới chính là hiệp ước New START được ký ở CH Czech năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. New START đặt ra mức hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai; đồng thời xác lập mức hạn chế số lượng triển khai máy bay ném bom, tên lửa phóng từ tàu ngầm và mặt đất vốn được dùng cho các đầu đạn này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.