Vì sao Tổng thống Mỹ liên tục đến Ba Lan?

.

ĐNO - Một tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ba Lan, trong đó bất ngờ thăm thành phố Rzeszow ở đông nam nước này, cách biên giới Ukraine khoảng 80 km. Nay, nhân một năm diễn ra sự kiện này, ông Biden lại đến Ba Lan từ ngày 21 đến 22-2 với nhiều tính toán.

Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Biden sẽ có mặt tại Ba Lan để thảo luận hợp tác song phương cũng như nỗ lực chung để hỗ trợ Ukraine và tăng cường khả năng răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Biden cũng sẽ gặp lãnh đạo của nhóm 9 nước Trung và Đông Âu ở sườn phía đông NATO, còn được gọi là nhóm Bucharest Nine (B9), để tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Washington đối với an ninh liên minh. Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ có bài phát biểu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine sắp bước sang năm thứ hai. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho biết: “Tổng thống sẽ nói rõ việc Mỹ tiếp tục sát cánh với Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết".

Rõ ràng, ông Biden tiếp tục dùng chuyến đi Ba Lan này trước hết để tạo quan hệ khăng khít hơn với Ba Lan khi nước này trở thành tiền đồn của Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong nỗ lực ứng phó với Nga, đồng thời khích lệ Ukraine và các nước thành viên EU và NATO ở Đông Âu tăng cường sức mạnh quân sự để răn đe Moscow.

Trong khi đó, hôm 19-2, CBS dẫn lời Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: “Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền của Tổng thống Biden về tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Ba Lan, lâu dài hơn và tăng số lượng binh sĩ”.

Đối với mối quan hệ Mỹ - Ba Lan, chưa có khi nào Tổng thống Mỹ hai lần tới thăm Ba Lan trong vòng một năm. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh tình hình địa chính trị ở châu Âu liên tục biến đổi khó lường, Washington coi Ba Lan là tiền đồn vô cùng quan trọng của Mỹ và các đồng minh NATO trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột cũng như xây dựng bức tường bất khả xâm phạm ở sườn phía đông của liên minh quân sự này. Thực tế, 90% viện trợ quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đi qua lãnh thổ Ba Lan. Nước này hiện đóng vai trò như hành lang trung chuyển, trung tâm vận chuyển viện trợ, cũng như thúc đẩy chuyển lính đánh thuê do Ukraine tuyển dụng thông qua NATO.

Không những vậy, Ba Lan còn là thành viên NATO bước lên tuyến đầu ngay sau khi xung đột diễn ra bằng việc kêu gọi phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Moscow; đồng thời hỗ trợ Ukraine nhiệt tình nhất cả về chính trị lẫn quân sự. Ở phương diện khác, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của binh sĩ ở Ba Lan với khoảng 11.000 lính đồn trú luân phiên. Hiện nay, với sự khích lệ của Ba Lan, Mỹ còn muốn gia tăng số lượng binh sĩ đồn trú và bố trí các loại tên lửa, thậm chí kể cả vũ khí hạt nhân ở nước này.

Chuyên gia phân tích thuộc Viện Kinh tế Ba Lan Jakub Rybacki cho rằng, chuyến thăm lần hai của ông Biden mang ý nghĩa về quân sự và năng lượng đối với Ba Lan hơn là về mặt kinh tế. Trong 3 năm gần đây, Ba Lan đã mua trang thiết bị quân sự của Mỹ trị giá 10 tỷ USD. Do vậy, ông Biden cần vuốt ve Ba Lan, ít ra là trong thời điểm này khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ở đỉnh điểm.

Có thể nói, hai chuyến thăm chưa đầy một năm của Tổng thống Mỹ tới Ba Lan như một “món quà” của Washington để nâng tầm ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Trong câu chuyện hậu thuẫn Ukraine, Ba Lan và Mỹ chẳng khác gì như hình với bóng. Ba Lan vừa hăng hái nhất, vừa giúp Mỹ đắc lực nhất để Washington củng cố và tăng cường vai trò dẫn dắt cả phương Tây. Đồng thời, Mỹ còn xem Ba Lan là nhân tố để gia tăng áp lực đối với EU và NATO trong việc ủng hộ Ukraine ứng phó với Nga cả trước mắt lẫn lâu dài.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.