Alibaba và triển vọng tái cấu trúc ngành công nghệ Trung Quốc

.

“Gã khổng lồ” Alibaba (Trung Quốc) vừa công bố kế hoạch tự chia tách thành 6 công ty con, qua đó hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng phát triển cho đế chế 220 tỷ USD này, đồng thời trở thành khuôn mẫu cho quá trình tái cấu trúc của ngành công nghệ của nước này.

Trụ sở Tập đoàn Alibaba tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Trụ sở Tập đoàn Alibaba tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Cuộc “đại tu” của Alibaba giúp giải phóng hàng tỷ USD giá trị cổ đông tiềm năng và thúc đẩy sức cạnh tranh của thị trường. Động thái này diễn ra sau những năm khó khăn mà Alibaba đã trải qua trong bối cảnh trưởng kinh tế chậm lại cũng như quy định khắc nghiệt, dẫn đến mất hàng tỷ USD vốn hóa.

Vì sao Alibaba tiến hành “đại phẫu”?

Theo Reuters, 6 công ty sau khi chia tách sẽ phụ trách 6 lĩnh vực chính của tập đoàn gồm: điện toán đám mây; thương mại điện tử trong nước (sàn Taobao Tmall); thương mại điện tử toàn cầu; bản đồ số và giao nhận đồ ăn; các dịch vụ hậu cần; và truyền thông số, giải trí.  Các công ty này sẽ thực hiện các đợt huy động vốn riêng và có cơ hội phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử Taobao Tmall vẫn sẽ thuộc sở hữu hoàn toàn của Alibaba.

Tập đoàn Alibaba sẽ đóng vai trò tổng công ty và ông Trương Dũng vẫn giữ chức Chủ tịch kiêm CEO. “Lần cải tổ này sẽ giúp tập đoàn trở nên linh hoạt hơn, tinh giản quá trình đưa ra quyết định, qua đó phản ứng nhanh hơn với biến động thị trường”, ông Trương Dũng nói. Mục tiêu của Alibaba muốn hướng đến là xây dựng các công ty có khả năng thích ứng linh hoạt hơn để mở ra nhiều giá trị hơn cho các nhà đầu tư.

Đây là cuộc cải cách lớn nhất trong lịch sử 24 năm của Alibaba và diễn ra một ngày sau khi ông Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba, trở về Trung Quốc đại lục sau một năm sống ở nước ngoài. Thực tế, việc chuyển hướng phát triển theo hình thức công ty mẹ - con như thế này khá hiếm gặp với giới doanh nghiệp Trung Quốc nhưng nó có thể mở đường cho các doanh nghiệp cùng mảng kinh doanh với Alibaba “nối gót”. Ngoài ra, việc giảm tập trung hóa mô hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng phần nào giúp giải quyết cho một trong những nỗi lo của giới chức nước này trong nỗ lực siết chặt kiểm soát với ngành công nghệ. Sự kiện này cũng diễn ra đúng vào thời điểm chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ rõ ràng và kiên định cho khu vực tư nhân.

“Bắc Kinh không phá vỡ bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào của Alibaba. Điều này có nghĩa các “Alibaba con” vẫn duy trì thị phần của họ trong các lĩnh vực tương ứng, trong đó có sức mạnh độc quyền trong bán lẻ trực tuyến”, các chuyên gia phân tích của công ty tư vấn Evercore ISI (Mỹ) nhận định. “Rõ ràng động thái mới đang tiến gần hơn đến chính sách của chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc giảm độc quyền của các doanh nghiệp ngành công nghệ. Mô hình mang tính bao trùm và ảnh hưởng tới cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi, qua đó có thể trở thành hình mẫu của ngành công nghệ trong tương lai”, ông Marvin Chen chuyên gia tại Bloomberg Intelligence nói.

Những hiệu ứng tích cực đầu tiên

Theo CNBC, sau khi giá cổ phiếu của Alibaba đạt đỉnh vào tháng 10-2020, giá trị thị trường của doanh nghiệp này đã bốc hơi mất khoảng 600 tỷ USD. Do đó, thông tin về cuộc “đại tu” giúp giá cổ phiếu Alibaba niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc) tăng vọt hơn 16%, nhiều hơn một chút so với ở New York, qua đó mang đến hơn 30 tỷ USD cho giá trị thị trường của doanh nghiệp này. Bước đi mạnh dạn của Alibaba cũng tạo hiệu ứng lan rộng ra toàn ngành công nghệ Trung Quốc. Sáng 29-3, cổ phiếu JD.com, công ty đối thủ của Alibaba, tăng 7% trong khi cổ phiếu của Tencent Holdings Ltd tăng 5%.

Cùng với giới chức trong nước, các ngân hàng và giới đầu tư hoan nghênh động thái trên của Alibaba khi giúp tạo ra giá trị cho các cổ đông bằng cách tập trung sự chú ý vào các hoạt động kinh doanh sinh lời từ công ty mẹ hoặc có thể giúp cải thiện các bộ phận thua lỗ. Theo các nhà phân tích, cổ phiếu của Alibaba có thể trị giá tới 164 USD/cổ phiếu so 86,12 USD trước thời điểm chia tách.

Theo dữ liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, tổng doanh thu của các công ty internet của nước này giảm 1% xuống còn khoảng 212 tỷ USD trong năm 2022, lần giảm đầu tiên trong gần một thập niên qua. Do đó, cuộc “đại phẫu” của Alibaba cũng giúp tái khởi động tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc sau nhiều năm bị tác động bởi Covid-19. Các nhà quan sát cũng cho rằng, bằng cách mở đường cho các bộ phận mới của Alibaba niêm yết lên sàn, chính phủ Trung Quốc có thể đang gửi một tín hiệu trấn an tới các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế rằng họ có chính sách nới lỏng, mềm mỏng hơn đối với những “gã khổng lồ” công nghệ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.