Các nước "đau đầu" vì biểu tình leo thang

.

Những ngày qua, làn sóng phản đối các chính sách cải cách của chính phủ tiếp tục bùng lên ở một số quốc gia; trong đó Israel, Pháp và Đức đang trở thành những “điểm nóng”, gây sự quan ngại nghiêm trọng cho cả chính quyền và xã hội.

Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh trong một cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp của chính phủ, tại Tel Aviv (Israel) vào ngày 1-3. Ảnh: AFP
Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh trong một cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp của chính phủ, tại Tel Aviv (Israel) vào ngày 1-3. Ảnh: AFP

Dư luận quốc tế đang hướng chú ý về tình trạng hỗn loạn gia tăng trên chính trường và trong xã hội Israel. Biểu tình phản đối chính phủ cải cách tư pháp vốn chưa hạ nhiệt trong những tháng qua nay tiếp tục bùng lên với mồi lửa là việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Đây được xem là một trong những động thái cứng rắn của người đứng đầu chính phủ Israel nhằm gạt bỏ những nhân tố phản đối đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ.

Tối 26-3, ước tính khoảng 600.000 người xuống đường biểu tình, chặn các đường cao tốc tại thành phố Tel Aviv và bao vây dinh thự của Thủ tướng tại Jerusalem. Cùng ngày, Tổng thống Israel Isaac Herzog kêu gọi chính phủ tạm dừng việc thông qua các cải cách về tư pháp, vốn đã châm ngòi cho một trong những phong trào biểu tình lớn nhất tại Israel.

Theo AP, các kế hoạch cải cách của nội các Thủ tướng Netanyahu nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong việc ra phán quyết chống lại các cơ quan lập pháp và hành pháp của chính phủ, đồng thời trao cho liên minh cầm quyền chiếm thế đa số trong ủy ban bổ nhiệm các thẩm phán. Người dân bất bình với cuộc đại tu tư pháp này bởi họ gọi đây là “nỗ lực biến Israel thành một chế độ độc tài”. Ngày 27-3, truyền thông Israel cho biết, trước những diễn biến bất thường của làn sóng biểu tình, Thủ tướng Netanyahu đang cân nhắc ngừng kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi này.

Cũng không nằm ngoài xòng xoáy biểu tình, chính phủ Đức và Pháp, hai nước chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU), cũng đang “đau đầu” với làn sóng biểu tình, đình công rầm rộ, với quy mô ngày càng mở rộng. Nơi thì lo lắng với “sóng ngầm” đình công, nơi thì “dậy sóng” biểu tình, gây xáo trộn đời sống xã hội.
Cuộc tổng đình công diễn ra hầu khắp nước Đức kể từ ngày 27-3, với sự tham gia của khoảng 350.000 nhân viên do không có tiến triển trong các cuộc thương lượng tập thể của các nghiệp đoàn này với giới chủ về vấn đề tăng lương.

Đây là cuộc đình công có quy mô lớn nhất trong hơn 30 năm qua ở Đức và được cho là cơn “sóng ngầm” có nguy cơ khiến giao thông trên cả nước rơi vào hỗn loạn. Trước đó, ngày 17-3, nhân viên nghiệp đoàn Ver.di tại 4 sân bay lớn tham gia đình công, làm ngưng trệ hàng ngàn chuyến bay, ảnh hưởng tới hàng vạn hành khách.

Tương tự, trong nhiều tuần qua, cả nước Pháp “dậy sóng” vì vấn đề cải cách lương hưu của chính phủ. Chính phủ nước này công bố kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng cơ chế lương hưu tối thiểu. Động thái này gây nên làn sóng biểu tình trên khắp nước Pháp trong nhiều tuần qua. Theo Bộ Nội vụ Pháp, hơn 1 triệu người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước trong ngày 23-3 trong khi các nghiệp đoàn cho biết, số người biểu tình thực tế khoảng 3,5 triệu người. Đặc biệt, vụ việc dẫn đến bạo động và xô xát giữa cảnh sát với người biểu tình. Đã có hơn 450 người biểu tình bị bắt và hàng trăm nhân viên an ninh bị thương.

Trong diễn biến liên quan, cũng tại Pháp, ngày 25-3, 30.000 người biểu tình phản đối dự án xây các bể tích trữ nước ngọt tại thị trấn Sainte-Soline, vùng Deux-Sèvres, miền tây nước Pháp. Hơn 3.000 nhân viên cảnh sát được huy động bảo vệ an ninh. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau, trong số người biểu tình, ít nhất có khoảng 1.000 người đa phần là từ nước ngoài đến với dụng ý gây bạo động, đốt phá. Cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Đụng độ đã bùng lên dữ dội trong các cuộc đối đầu với cảnh sát khiến nhiều người bị thương.

Tại phiên họp thường niên Hội đồng toàn châu Âu tại Strasbourg (Pháp)  ngày 24-3, ủy viên Nhân quyền bà Dunja Mijatovic ra thông cáo báo động về tình hình sử dụng vũ lực thái quá nhằm vào người biểu tình phản đối cải cách hưu trí tại Pháp, kêu gọi chính quyền Paris tôn trọng quyền tự do biểu tình. Bà Mijatovic khẳng định, không có gì biện minh cho việc sử dụng vũ lực thái quá của lực lượng an ninh nhằm vào người biểu tình. Lần gần đây nhất mà Hội đồng toàn châu Âu về nhân quyền bày tỏ lo ngại về tình hình tại Pháp đó là 4 năm trước khi vấn đề duy trì trật tự trước phong trào Áo Vàng lan rộng khắp nước này hồi tháng 2-2019. Những diễn biến trên cho thấy, làn sóng đình công, biểu tình, thậm chí bạo loạn đường phố sẽ ngày càng phức tạp nếu chính phủ các nước trên không có động thái nhượng bộ để xoa dịu sự tức giận của người dân.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.