Ngày 21-3 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để trao đổi các vấn đề quan trọng nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày. Sự kiện được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới và mang lại sự ổn định cho tình hình quốc tế đầy biến động.
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay ở Moscow (Nga) chiều 20-3. Ảnh: AFP |
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi tái đắc cử chức Chủ tịch Trung Quốc liên nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang dõi theo cách Trung Quốc thể hiện vai trò trung gian hòa giải trong xung đột Nga - Ukraine, nhất là sau khi Bắc Kinh công bố giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.
Cả truyền thông của Trung Quốc và Nga đều ca ngợi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là minh chứng cho thấy quan hệ song phương ngày càng bền chặt và mang lại nguồn năng lượng tích cực cho ổn định toàn cầu thông qua lập trường chung về chủ nghĩa đa phương công bằng hơn. Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rõ: “Chuyến thăm của tôi tới Nga là hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình. Tôi mong muốn làm việc với Tổng thống Putin để cùng thông qua tầm nhìn mới, kế hoạch chi tiết mới và biện pháp mới để phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga trong những năm tới”. Giới quan sát nhận định, những tương tác và trao đổi quan điểm giữa nhà lãnh đạo hai nước được xem là “la bàn và mỏ neo” cho sự phát triển quan hệ song phương. Thế giới càng hỗn loạn thì việc củng cố quan hệ Trung Quốc - Nga càng quan trọng.
Theo Điện Kremlin, tại cuộc gặp ngày 21-3, lãnh đạo hai nước dự kiến ký các văn kiện song phương quan trọng, gồm tuyên bố về mối quan hệ trong kỷ nguyên mới và kế hoạch phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng đến năm 2030. Theo ông Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn diện về châu Âu và quốc tế tại Đại học quốc gia Moscow cho biết, thương mại song phương tăng trưởng bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây và các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế trong một số lĩnh vực của thị trường Nga. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc đang mở rộng nhiều thị phần hơn bao giờ hết ở Nga. Hai nước đang thực hiện nhiều dự án “khủng”, trong đó gồm cùng xây dựng trạm vũ trụ quốc tế trên mặt trăng và đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân. Hai bên cũng đang thảo luận kế hoạch thực hiện hơn 79 dự án hợp tác với tổng trị giá 161 tỷ USD. Theo BBC, các dự án đường ống dẫn dầu, khí đốt và năng lượng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Bên cạnh tăng cường quan hệ song phương, nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương sẽ là chủ đề quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh. RT dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết, hai nước đang hợp tác để định hình một thế giới đa cực công bằng hơn. “Chúng tôi tích cực thúc đẩy các cấu trúc đa phương dân chủ như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với tầm ảnh hưởng gia tăng, đồng thời thu hút đối tác và bạn bè mới”, ông Putin nói.
Chuyến thăm thu hút sự chú ý bởi diễn ra sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình cho vấn đề Ukraine. Phản ứng trước thiện chí này của Bắc Kinh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng đàm phán với ông Tập Cận Bình. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đàm phán này có thể diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc kết thúc chuyến công du Nga. Trung Quốc hiện được đánh giá là một trong những nước có sức thuyết phục và ảnh hưởng nhất đối với ban lãnh đạo Nga. Sự hợp tác tin cậy giữa hai nước được xem là bảo đảm quan trọng để Trung Quốc có thể thuyết phục Nga về một thỏa thuận với Kiev. Cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc gần đây đóng vai trò điều hòa trong khôi phục quan hệ giữa hai nước đối địch ở Trung Đông là Saudi Arabia và Iran, bởi vậy, Bắc Kinh được kỳ vọng có thể trở thành cầu nối giữa Moscow và Kiev.
Trước thềm chuyến thăm, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc vẫn giữ lập trường khách quan và cân bằng trong vấn đề Ukraine, đồng thời tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình. “Không có giải pháp đơn giản cho vấn đề phức tạp. Miễn là tất cả các bên đều có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời theo đuổi đối thoại và tham vấn bình đẳng, hợp lý và hướng tới kết quả thì sẽ tìm ra cách hợp lý để giải quyết khủng hoảng cũng như con đường rộng mở hướng tới thế giới hòa bình lâu dài và an ninh chung”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.
THƯ LÊ