Lý giải nguyên nhân đẩy Israel đến 'bên bờ vực' hỗn loạn

.

Các cuộc đình công và biểu tình đã làm rung chuyển Israel ngày 27-3 khi tổng thống nước này cảnh báo rằng một cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi do chính phủ lên kế hoạch sẽ đe dọa nền kinh tế và an ninh quốc gia, làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo.

Lực lượng Israel ngăn cản những người biểu tình ngày 27/3. Ảnh: Báo Tin tức
Lực lượng Israel ngăn cản những người biểu tình ngày 27-3. Ảnh: Báo Tin tức

Tổng thống Israel Isaac Herzog đã kêu gọi ông Netanyahu ngay lập tức dừng cuộc cải cách tư pháp, kêu gọi chính phủ liên minh gác lại những toan tính chính trị vì lợi ích quốc gia.

“Cả nước đang vô cùng lo lắng. An ninh, kinh tế, xã hội của chúng ta - tất cả đều đang bị đe dọa. Hãy thức tỉnh”, ông Isaac Herzog nói. Cùng ngày, liên đoàn lao động lớn nhất của Israel tuyên bố đình công trên toàn quốc phản đối kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khiến các chuyến bay bị đình chỉ, một số trung tâm thương mại và bến cảng phải đóng cửa.

Những diễn biến trên xảy ra sau khi ông Netanyahu hôm 26-3 sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đã kêu gọi thủ tướng tạm dừng cuộc cải cách luật. Vụ việc đã khiến hàng trăm nghìn người Israel xuống đường biểu tình trên khắp cả nước, với nhiều người tuần hành tụ tập bên ngoài nhà của ông Netanyahu ở Jerusalem và những người biểu tình đốt lửa trên đường cao tốc chính của Tel Aviv.

Từ đường phố Tel Aviv đến hội trường quốc hội, ông Netanyahu đang phải đối mặt với một sự phản đối mạnh mẽ về đề xuất đại tu tư pháp có nguy cơ khiến chính phủ của ông sụp đổ. Quốc hội Israel đã sẵn sàng bỏ phiếu trong tuần này về trụ cột đầu tiên của cuộc cải cách, điều nhằm giúp liên minh chiếm đa số bổ nhiệm thẩm phán, mặc dù một số cuộc bổ nhiệm vẫn cần có sự thỏa hiệp. Các phần khác của cuộc cải cách nhằm mục đích hạn chế quyền tài phán của Tòa án Tối cao và cho phép đa số các nghị sĩ có thể bác bỏ các quyết định của tòa án.

Cả những người ủng hộ và phản đối cuộc cách cách đều nói rằng họ đang “bảo vệ linh hồn của nền dân chủ Israel”.

Ông Netanyahu và các đồng minh của mình từ lâu đã lập luận rằng các tòa án bị chi phối bởi các thẩm phán tự do, những người có thể dễ dàng lật ngược quyết định của các nhà lập pháp dân cử. Phe đối lập cho rằng dự luật sẽ làm suy yếu hệ thống giám sát và cân bằng của Israel, đồng thời làm suy yếu nền dân chủ và việc bảo vệ các nhóm thiểu số.

Là một phần của cuộc tổng đình công, các ngân hàng, văn phòng chính phủ, công ty tiện ích và một số trường học cũng đóng cửa, người phát ngôn của Histadrut, công đoàn lớn nhất của Israel cho biết. Đây là cuộc đình công đầu tiên như vậy ở nước này trong hơn một thập kỷ.

Trong ba tháng qua, có tới nửa triệu người Israel đã xuống đường biểu tình vào mỗi cuối tuần tại quốc gia nhỏ bé có 9 triệu dân này. Vào cuối ngày 26-3, tình trạng bất ổn gia tăng sau khi Thủ tướng Netanyahu sa thải ông Gallant, người đã cảnh báo luật này đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - khi liên minh cầm quyền chuẩn bị chuyển nó lên quốc hội trong tuần này.

Hàng nghìn người biểu tình chặn một đường cao tốc ở Tel Aviv, Israel nhằm đối kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: Báo Tin tức
Hàng nghìn người biểu tình chặn một đường cao tốc ở Tel Aviv, Israel nhằm đối kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: Báo Tin tức

Ông Gallant cho biết hôm 25-3 rằng cuộc đại tu đã gây ra sự chia rẽ trong quân đội vốn đang trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia, vì rất nhiều quân nhân đã nói rằng họ sẽ không phục vụ trong quân đội nếu dự luật được thông qua. Theo ông Gallant, vấn đề này đang gây ra “mối đe dọa rõ ràng, tức thời và hữu hình đối với an ninh của Israel”.

Rất nhiều quân nhân của Israel, từ phi công ưu tú đến sĩ quan tình báo, cho biết họ sẽ từ chối phục vụ nếu cuộc đại tu tư pháp được thông qua, phá vỡ một điều cấm kỵ sâu xa ở một quốc gia coi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ quốc gia thiêng liêng.

Các quan chức quân sự, an ninh Israel đã cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội Israel, vốn chủ yếu dựa vào khả năng của lực lượng vũ trang, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các đối thủ trong khu vực như Iran và với các chiến binh Palestine ở Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng.

Tuy nhiên, việc đình chỉ kế hoạch cải cách tư pháp lại có nguy cơ làm sụp đổ liên minh của Thủ tướng Netanyahu, vì một số đồng minh của ông kiên quyết thúc đẩy việc thông qua dự luật.

Các đồng minh cực hữu của ông Netanyahu từ đảng Religious Zionism và Jewish Power cho biết họ phản đối việc dừng dự luật. Nếu ông Netanyahu mất sự ủng hộ của một trong hai đồng minh cực hữu của mình, ông sẽ mất sự ủng hộ của đa số trong quốc hội.

Khi tình trạng bất ổn dân sự lan rộng khắp Israel vào tối 26-3, hai đảng trên tuyên bố sẽ ủng hộ Thủ tướng Netanyahu, cho dù ông có chọn dừng dự luật hay không. Kể từ khi cuộc cải cách được công bố cách đây ba tháng, nó đã bị các nhà kinh tế hàng đầu, giới công nghệ, luật gia cấp cao và quan chức an ninh của Israel phản đối rộng rãi, những người cho rằng nó sẽ làm suy yếu sự giám sát và cân bằng của đất nước và trao quyền lực gần như không bị kiểm soát cho liên minh cầm quyền. Hàng trăm nghìn người Israel đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ trong gần ba tháng.

Ở nước ngoài, các đồng minh quan trọng của Israel như Mỹ và Đức đã bày tỏ lo ngại về tính độc lập của ngành tư pháp Israel nếu các sửa đổi được thông qua. Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước những diễn biến hiện nay ở Israel, điều càng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thỏa hiệp”.

Trong bối cảnh áp lực gia tăng cả trong và ngoài nước, liên minh của ông Netanyahu quyết định sửa đổi một phần kế hoạch cải cách dự kiến ​​sẽ được bỏ phiếu vào tuần này, mà như ban đầu sẽ trao cho liên minh gần như toàn quyền trong việc đề cử các thẩm phán. Thay vào đó, liên minh sẽ chỉ bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Phần còn lại sẽ thỏa hiệp với các nhà lập pháp hoặc thẩm phán đối lập.

Theo Báo Tin tức 

;
;
.
.
.
.
.