Ngày 20-3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới New Delhi thăm người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Ngoài việc bàn thảo chương trình hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra vào tháng 5-2023, hai nhà lãnh đạo công bố kế hoạch hành động trong sáng kiến mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Kishida khẳng định, chuyến đi thúc đẩy tầm nhìn của Tokyo về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây cũng là sáng kiến Nhật Bản dẫn dắt để hướng tới hợp tác an ninh và kinh tế lớn hơn tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện.
Theo Reuters, tại New Delhi, ông Kishida cam kết chi 75 tỷ USD cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tới năm 2030 để hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực thông qua đầu tư tư nhân và khoản vay bằng đồng yen, cũng như khoản viện trợ thông qua hỗ trợ và trợ cấp chính phủ. Sáng kiến này được xem là một phần nỗ lực của Tokyo để thắt chặt quan hệ đối tác với các nước ở Nam Á và Đông Nam Á.
Tokyo sẽ giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi, hỗ trợ về an ninh hàng hải, cung cấp tàu tuần tra, trang thiết bị cho lực lượng tuần duyên và hợp tác phát triển hạ tầng. Tháng 12-2022, Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó Tokyo sẽ triển khai tên lửa hành trình tầm xa để củng cố năng lực đáp trả khi cần, đồng thời sử dụng kênh hỗ trợ phát triển chiến lược cho các nước đồng quan điểm với Tokyo.
Ấn Độ là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, trong khi Nhật Bản là nước chủ tịch G7. New Delhi khẳng định, quan hệ với Tokyo là yếu tố then chốt cho sự ổn định khu vực. Trong khi đó, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có những vấn đề riêng trong quan hệ với Trung Quốc.
Ông Khishida và ông Modi đã thảo luận cách thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời giải quyết các vấn đề quan tâm chung như an ninh lương thực và tài chính cho phát triển. Hai nhà lãnh đạo cũng cho biết sẽ hợp tác để giải quyết một loạt thách thức toàn cầu. “Chúng tôi sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Ấn Độ và Mỹ, cũng như tập trận thiện chí với ASEAN và khu vực quần đảo Thái Bình Dương”, ông Kishida nói.
Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng thiết lập liên minh “tứ giác kim cương” (QUAD) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhóm này sẽ tham gia đợt tập trận thường niên của hải quân mang tên Malabar trong năm nay tại Úc. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nhật Bản là đối tác trong khuôn khổ hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) từ năm 2011.
“Ấn Độ là đối tác thiết yếu trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do của chúng tôi”, Reuters dẫn phát biểu của ông Kishida khi được hỏi vì sao ông chọn New Delhi là nơi công bố sáng kiến trên. Về phần mình, ông Modi khẳng định, việc củng cố quan hệ hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ không chỉ quan trọng cho cả hai nước, mà còn thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định khu vực. Dù chia sẻ với nhau nhiều quan điểm, song trong lập trường về vấn đề Ukraine, giữa hai nước vẫn có sự khác biệt. Trong động thái “nối gót” các nước phương Tây, Tokyo đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Nga, trong khi Ấn Độ từ chối chỉ trích Moscow về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đồng thời tăng cường mua dầu Nga trong thời gian qua.
TRẦN ĐẮC LUÂN