EU lục đục vì ngũ cốc Ukraine

.

Trong bối cảnh xung đột với Nga chưa hạ nhiệt, việc xuất khẩu ngũ cốc và các loại hàng hóa khác ra nước ngoài được xem là “cứu cánh” cho kinh tế Ukraine vốn đang sụt giảm nghiêm trọng. “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian là bước đi tích cực giúp hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu ra nước ngoài.

Thực tế, việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen của Ukraine bị hạn chế về nhiều mặt nên không thể tiêu thụ hết sản lượng dư thừa trong nước và cũng đang ở tình trạng mong manh khi Nga chấp nhận gia hạn “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” chỉ trong vòng 60 ngày.

Trong khi đó, việc vận chuyển bằng đường bộ qua Ba Lan cũng như các nước láng giềng khác của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) có thuận lợi nhưng xuất hiện tình trạng ngũ cốc tràn ngập thị trường ở các quốc gia trung chuyển, cùng với sự phản ứng mạnh mẽ của nông dân ở các nước này do giá cả thấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp. Mặc dù EU có chính sách hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho các nước thành viên từ Quỹ giải quyết khủng hoảng nhưng vẫn không đủ để bù đắp thiệt hại ngày càng tăng của nông dân.

Ngày 29-3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi EU sử dụng tất cả công cụ quản lý hạn ngạch và thuế quan để hạn chế hoặc ngăn chặn ngũ cốc nhập khẩu của Ukraine vào Ba Lan. Ông Morawiecki và lãnh đạo một số quốc gia có chung biên giới với Ukraine nhất trí kiến nghị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về vấn đề này.

Để ứng phó với sự phản ứng ngày càng gia tăng của nông dân, ngày 15-4, chính phủ Ba Lan quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc và hàng chục loại thực phẩm khác từ Ukraine. Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý của Ba Lan Jaroslaw Kaczyński cho biết: “Chúng tôi là bạn bè và đồng minh của Ukraine và điều đó không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine... Nhưng quyết định trên nhằm bảo vệ lợi ích của công dân Ba Lan"?! Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria tiết lộ, nước này cũng đang xem xét thực hiện động thái tương tự để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Những diễn biến trên khiến dư luận bất ngờ bởi Ba Lan, thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang ủng hộ Ukraine mạnh mẽ trong cuộc xung đột với Nga. Trong động thái đáp trả, ngày 15-4, Bộ Chính sách nông nghiệp và thực phẩm Ukraine cho biết: “Kiev lấy làm tiếc về việc Warsaw thông qua quyết định tạm thời hạn chế xuất khẩu và bao gồm cả quá cảnh hàng nông sản từ Ukraine thông qua lãnh thổ Ba Lan.

Các quyết định của phía Ba Lan trái với các thỏa thuận của chúng tôi”. Ngày 16-4, EC ra tuyên bố chỉ trích Ba Lan và Hungary; đồng thời khẳng định các quốc gia thành viên EU cần phối hợp với các cơ quan của EU khi đưa ra quyết định như vậy bởi lẽ các vấn đề thương mại thuộc thẩm quyền của cơ quan này.

Ba Lan và Hungary từ lâu đã vướng vào bất đồng kéo dài với Brussels về nhiều vấn đề. EU đang giữ lại khoản tiền trợ cấp cho hai nước do liên quan đến tranh cãi về pháp quyền. Do vậy, vụ việc lần này tiếp tục gia tăng sự bất đồng giữa đôi bên. Rõ ràng, tình trạng “đồng sàng, dị mộng” giữa các bên liên quan ngày càng rõ nét.

Mặc dù là đồng minh của nhau trong EU hay NATO và vẫn giữ quan điểm tích cực ủng hộ Ukraine nhưng cũng không vì thế mà quên đi lợi ích chính đáng của quốc gia, nhất là trong bối cảnh ngũ cốc và hàng hóa giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường các nước trung chuyển, có nguy cơ dẫn đến bất ổn về an ninh, chính trị do biểu tình, phản đối chính phủ. Vì thế, cả Ba Lan, Hungary, hay Bulgaria đều chọn lợi ích quốc gia là trên hết.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.