Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ

.

Sau 3 năm chấp nhận những thiệt hại về kinh tế do tác động của Covid-19, báo cáo thống kê tình hình kinh tế quý 1-2023 vừa công bố của chính quyền Trung Quốc cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.

Kinh tế Trung Quốc trong quý 1-2023 tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Một góc đường phố ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg
Kinh tế Trung Quốc trong quý 1-2023 tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Một góc đường phố ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Doanh số bán lẻ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã hồi phục tại Trung Quốc. Kinh tế nước này trong quý 1-2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Tổng cục thống kê quốc gia công bố ngày 18-4, cao hơn dự báo 4% mà các chuyên gia kinh tế của Wall Street Journal (WSJ) đưa ra trước đó. Để so sánh, trong quý trước đó, khi Trung Quốc vẫn đang vật lộn với đại dịch, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,2%.

Tiêu dùng phục hồi

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1-2023 được đánh giá có động lực lớn từ mức độ tiêu dùng trong nước hồi phục. Người dân mua sắm, ăn uống và du lịch nhiều hơn sau gần ba năm bị hạn chế mọi nhu cầu do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng hưởng lợi từ chính sách đầu tư của chính phủ vào hạ tầng, cũng như mức tăng ngoài dự kiến về xuất khẩu trong tháng 3-2023.

Ngoài ra, theo Financial Times, giá bất động sản cũng hồi phục một phần. Đây là kết quả khả quan nhờ sự nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khôi phục niềm tin của doanh nghiệp sau giai đoạn lao đao vì Covid-19 năm ngoái và chính sách thay đổi linh hoạt của chính quyền. “Rõ ràng, đà khôi phục đang trở lại. Động lực trong đầu năm nay đã mạnh mẽ hơn dự đoán”, bà Tao Wang, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc của Ngân hàng UBS nhận định.

Với mức tăng trưởng này, Trung Quốc đang ở lộ trình hướng đến mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong kế hoạch khoảng 5% trong năm 2023. Năm ngoái, nền kinh tế chỉ đạt 3%, một trong những mức tăng trưởng ảm đạm nhất của nước này trong nhiều thập niên.

Quyết định mở cửa lại của Trung Quốc là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm vì tác động của nhiều nhân tố. Trong báo cáo về tầm nhìn kinh tế thế giới vừa công bố tháng 4-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, thế giới đang bước vào giai đoạn rất nguy hiểm khi các nền kinh tế vật lộn với lạm phát tăng cao, lãi suất liên tục nâng lên và xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Động lực của kinh tế thế giới

IMF nhận định, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ là động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ sẽ tăng trưởng 5,2% và sự phục hồi của Trung Quốc cũng sẽ đem lại lợi ích hỗ trợ đáng kể với các đối tác thương mại, cho các quốc gia sản xuất năng lượng, cũng như các điểm đến du lịch vốn rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Trong khi đó, IMF cũng đưa ra mức dự báo khá khiêm tốn, chỉ 1,6% đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay, giảm bớt so với mức 2,1% của năm 2022 và tỷ lệ tăng trưởng trong nhóm 20 nước sử dụng đồng euro thậm chí còn thấp hơn nữa, chỉ ở mức 0,8%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc giai đoạn này sẽ không thể lớn như tác động trước đây của họ ở thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Khi đó, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đã kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng suy thoái sâu. Theo bà Louise Loo, chuyên gia kinh tế tại Công ty Oxford Economics (Singapore), từ thực tế sự phục hồi kinh tế năm nay của Trung Quốc được thúc đẩy đáng kể bởi tiêu dùng trong nước, có thể thấy điều đó sẽ có lợi cho bản thân quốc gia này nhiều hơn là cho thế giới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đặt ra những lý do mà theo họ nên thận trọng đánh giá về mức độ ổn định trong sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Bởi lẽ theo họ, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị tác động khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang đối mặt với bàn toán gỡ khó cho lĩnh vực bất động sản trong nước.

Dự báo mới nhất của IMF cũng nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay. Nếu không tính tới năm 2020, khi các hoạt động kinh tế sụp đổ vì Covid-19, mức độ tăng trưởng như vậy nếu được ghi nhận đúng như dự báo, thì đó sẽ là năm tồi tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

TRẦN ĐẮC LUÂN
 

;
;
.
.
.
.
.