Chính phủ Úc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng, ưu tiên phát triển năng lực tấn công chính xác tầm xa, tự sản xuất vũ khí dẫn đường. Đây là những điểm chính trong Đánh giá chiến lược quốc phòng được công bố vào ngày 24-4 về các đề xuất thực hiện cuộc cải cách quốc phòng lớn nhất ở nước này kể từ Thế chiến 2.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese (thứ hai, bên phải sang) và các quan chức cấp cao tham dự cuộc họp báo sau khi công bố Đánh giá chiến lược quốc phòng tại Canberra ngày 24-4. Ảnh: Reuters |
Theo Financial Review, bản đánh giá cho biết những rủi ro chiến lược đối với Úc hiện nay hoàn toàn khác so với các giai đoạn lịch sử trước đây, bao gồm cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thủ tướng Úc Anthony Albanese gọi bản đánh giá là tài liệu ý nghĩa nhất của nước này kể từ Thế chiến 2 khi đề ra đường lối củng cố an ninh quốc gia và sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong tương lai. Úc sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng so với mức hiện tại là 2% GDP (48 tỷ USD/ năm) trong thập niên tới, bao gồm 19 tỷ USD trong 4 năm tới để thực hiện những khuyến cáo mà bản đánh giá đưa ra, qua đó giúp nâng cao khả năng bảo vệ các lãnh thổ và các vùng xung quanh, ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của đối thủ nhằm phô trương sức mạnh.
Úc sẽ tiếp tục đa dạng hóa quan hệ quốc phòng, trong đó trọng tâm sẽ là sự tương tác chặt chẽ hơn nữa với Mỹ về an ninh, bao gồm tăng cường lập kế hoạch quân sự song phương, tuần tra chung và tổ chức nhiều đợt luân chuyển lực lượng Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm. Đáng chú ý, bản đánh giá xác định khu vực mà Úc có lợi ích về quân sự trải dài từ vùng đông bắc Ấn Độ Dương sang Đông Nam Á và xuống nam Thái Bình Dương. Theo đó, Úc sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á và các nước khác ở Thái Bình Dương để duy trì sự cân bằng trong khu vực.
Theo Reuters, bản đánh giá cho rằng, Trung Quốc đang tích lũy sức mạnh quân sự với tốc độ lớn nhất kể từ Thế chiến 2 và đang tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược ở các khu vực lân cận Úc. Mỹ, đối tác hiệp ước quốc phòng quan trọng nhất của Úc, giờ đây không còn là “lãnh đạo đơn cực” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, kế hoach đại tu quốc phòng giúp Úc tránh mức độ rủi ro chiến lược cao nhất với khả năng xảy ra xung đột lớn trong khu vực bắt nguồn từ cạnh tranh đang ngày gay gắt giữa các nước lớn. “Lần đầu tiên sau 80 năm, chúng ta phải quay trở lại các nguyên tắc cơ bản, áp dụng cách tiếp cận theo nguyên tắc đầu tiên về tìm cách tránh rủi ro chiến lược ở mức cao nhất mà chúng ta hiện đang phải đối mặt với tư cách là một quốc gia: nguy cơ xung đột lớn trong khu vực đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia của chúng ta”, bản đánh giá nhấn mạnh.
Theo AP, đây được xem là bước chuyển lớn trong nhận thức về nguy cơ an ninh quốc gia của chính quyền Thủ tướng Albanese bởi lẽ trong 5 thập niên qua, chính sách quốc phòng của Úc chỉ xoay quanh mục đích ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn ở mức độ thấp từ các nước láng giềng nhỏ hoặc trung bình.
Bản đánh giá đề ra ba giai đoạn tái định hình khả năng phòng thủ, với các ưu tiên trước mắt trong hai năm tới bao gồm trang bị vũ khí tầm xa hơn trên các nền tảng hiện có; tăng tốc năng lực phòng thủ từ năm 2026 - 2030 và phát triển lực lượng tích hợp trong tương lai từ năm 2031. Các căn cứ ở miền bắc của Úc sẽ trở thành địa bàn trọng tâm để ngăn chặn các nguy cơ đe dọa từ đối phương, bảo vệ các tuyến thương mại và thông tin liên lạc; đồng thời thúc đẩy năng lực không gian và khả năng phòng thủ mạng. “Chúng tôi sẽ thay đổi tính toán để đối thủ tiềm tàng thấy rằng lợi ích mà họ có thể thu được từ xung đột nhỏ hơn rủi ro mà họ phải chịu”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tuyên bố.
Chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) được coi là ưu tiên để xây dựng năng lực răn đe cho Úc. Bên cạnh đó, các vũ khí dẫn đường và tấn công tầm xa đóng vai trò cơ bản trong nâng cao năng lực của lực lượng phòng vệ Úc. GS. John Blaxland, chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học quốc gia Úc, cho biết, kế hoạch cải cách quốc phòng này rất mạnh mẽ và dựa trên sự đánh giá thực tế về các tình huống. Với cuộc đại tu quốc phòng sắp tới, Úc đang phát tín hiệu gia nhập cuộc đua gia tăng sức mạnh quân sự với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tránh bị bỏ lại phía sau.
THƯ LÊ