Bầu cử ở Thái Lan: Nhiều rào cản đối với việc thành lập chính phủ mới

.

Cuộc tổng tuyển cử Thái Lan vừa qua với chiến thắng áp đảo của phe đối lập, cho thấy tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ của cử tri đối với các cam kết cải cách táo bạo nhưng đến nay, thủ tướng tiếp theo của nước này vẫn là ẩn số bởi quy trình xác lập cương vị này dự kiến kéo dài vài tháng do hàng loạt “nút thắt” pháp lý.

Dù đảng Tiến bước thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 14-5, ông Pita Limjaroenrat chưa chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan. Ảnh: AFP
Dù đảng Tiến bước thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 14-5, ông Pita Limjaroenrat chưa chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan. Ảnh: AFP

Bangkok Post dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam ngày 16-5 cho biết, Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ xác minh kết quả sau hai tháng. Sau đó, Hạ viện sẽ họp bầu chủ tịch Quốc hội và sắp xếp phiên họp chung để bầu tân thủ tướng.

Tiến trình lập liên minh cầm quyền còn gập ghềnh

Theo AP, cử tri Thái Lan đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ do quân đội hậu thuẫn trong cuộc bầu cử: “Bạn không có sự đồng thuận của người dân để điều hành đất nước”. Trong hai thập niên qua, mỗi lần người Thái Lan bỏ phiếu, họ đều ủng hộ các đối thủ chính trị của chính phủ quân đội một cách áp đảo. Và cuộc bỏ phiếu chứng kiến số cử tri đi bầu kỷ lục lần này chính là sự tiếp nối của xu hướng đó. “Người dân Thái Lan thực sự muốn sự thay đổi cơ bản trong cách tổ chức đất nước, họ muốn chính phủ dân chủ,” ông Charles Santiago từ Nghị viện Nhân quyền ASEAN nói.

Theo kết quả sơ bộ, chiến thắng thuộc về đảng Tiến bước (MFP) của ông Pita Limjaroenrat. Tuy nhiên, chính trị gia 42 tuổi này chưa chắc trở thành thủ tướng tiếp theo bởi ông sẽ gặp rào cản trong thành lập liên minh với các đảng không ủng hộ phe quân đội. Chưa kể, một số thượng nghị sĩ được quân đội bổ nhiệm đã nói bóng gió rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Pita. Sáng 16-5, lãnh đạo đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Cholnan Srikaew cho biết, dù lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat tự tin rằng ông đang trong tiến trình tập hợp liên minh, song các cuộc thương lượng nghiêm túc với các đối tác tiềm năng trong liên minh vẫn chưa bắt đầu. Đảng Pheu Thai vẫn đang chờ đảng MFP đặt quy tắc rõ ràng cho tiến trình thương lượng.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có nghi ngờ về khả năng lãnh đạo đảng MFP có thể nhận sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ để trở thành thủ tướng. Theo Hiến pháp Thái Lan, bất kỳ đảng đối lập hoặc liên minh muốn lập chính phủ đều phải vượt qua “ải” Thượng viện với 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm. Ông Pita phải cần sự ủng hộ của ít nhất 376 thành viên Quốc hội (bao gồm 500 nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ) để trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, ông Pita sẽ gần như không thể có được đủ số phiếu này nếu chỉ dựa vào sự ủng hộ của các nghị sĩ, bởi tổng số nghị sĩ của đảng MFP và 5 đối tác liên minh tiềm tàng mới chỉ đạt tổng cộng 310. Nói các khác, dù các đảng đối lập nhận số phiếu nhiều nhất, họ cũng không chắc chắn sẽ được thành lập chính phủ mới.

Một kịch bản đáng lo có thể xảy ra, đó là: tập hợp không gồm hai đảng Pheu Thai và MFP sẽ tạo liên minh mới nếu hợp tác với Thượng viện. Quan điểm của đảng MFP về sự cần thiết phải cải cách Hoàng gia Thái Lan cũng có thể kích hoạt lập liên minh chống đa số, cản đường đảng MFP.

Sức ép cải cách kinh tế đối với chính phủ mới

Có thể nhận thấy, trong cuộc bầu cử này, cử tri Thái Lan không chỉ bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới, mà còn muốn góp tiếng nói về định hướng phát triển đất nước trong 4 năm tới. Do đó, chính sách phát triển kinh tế do các chính đảng đưa ra được xem như thỏi nam châm thu hút lá phiếu ủng hộ của cử tri. Chẳng hạn, nền tảng của đảng MFD gồm tăng cường luật chống độc quyền để khôi phục cạnh tranh và đổi mới, đặc biệt trong các ngành an ninh quốc gia như viễn thông và công nghệ thông tin.

Chính phủ mới sắp lộ diện ở Thái Lan cần giải quyết hàng loạt thách thức mà cử tri hết sức quan tâm như: mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” với tăng trưởng kinh tế không đạt 5% kể từ năm 2012, dân số già, tiết kiệm và đầu tư thấp, nợ hộ gia đình cao, khả năng cạnh tranh xuất khẩu giảm, khiến kinh tế tụt hậu so với các nước láng giềng khác. Mặc dù chính phủ ban hành chương trình kích thích kinh tế lớn nhất ở châu Á trị giá 44 tỷ USD giúp duy trì thu nhập hộ gia đình vượt qua tác động của Covid-19, nhưng lạm phát năm 2022 đã “xóa sạch” mức tăng lương thực tế.

Rõ ràng, quyết định thiếu quyết đoán về lựa chọn thủ tướng trong tháng 7-2023 có thể gây ra những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của Thái Lan. Đầu tiên, sự chậm trễ trong việc thành lập chính phủ mới do thời gian cần thiết để thống nhất về liên minh kéo dài có thể cản trở quá trình hoạch định chính sách. Thứ hai, bất kỳ cuộc biểu tình quy mô lớn nào sau cuộc bầu cử vốn từng xảy ra trước đây cũng có thể làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.