Chuyến đi một công, đôi việc của ông Zelensky

.

Ngày 14-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu chuyến thăm Đức trong khuôn khổ chuyến công du các quốc gia đồng minh châu Âu nhằm kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Kiev. Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm Ukraine tuyên bố sắp có những bước đi quan trọng đầu tiên trong cuộc xung đột với Nga, song song với đẩy mạnh cải cách sâu rộng vốn được xem là điều kiện tiên quyết để gia nhập “mái nhà chung” Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin ngày 14-5. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin ngày 14-5. Ảnh: AP

Đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Zelensky tới Đức, một trong những nguồn viện trợ lớn của Ukraine, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Tại Đức, Tổng thống Zelensky có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Olaf Scholz.

Món quà lớn từ Đức

Theo Reuters, tại cuộc gặp Tổng thống Steinmeier ngày 14-5, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Vào thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại của Ukraine, Đức đã chứng tỏ là người bạn thực sự và đồng minh đáng tin cậy”. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine diễn ra trong thời điểm chính phủ Đức công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine trị giá 2,7 tỷ euro (khoảng 3 tỷ USD).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh, sự đóng góp quý giá về vật chất quân sự cần thiết khẩn cấp này một lần nữa cho thấy Đức rất nghiêm túc trong việc hỗ trợ Ukraine. “Tất cả chúng ta đều mong muốn xung đột nhanh chóng khép lại. Đức sẽ cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể cho Ukraine miễn là cần thiết”, ông Pistorius nói.

Gói hỗ trợ mới nhất này gồm nhiều khí tài quân sự hiện đại như 30 xe tăng Leopard-1-A5, 200 máy bay không người lái trinh sát, 4 hệ thống phòng không IRIS-T, 200 phương tiện hậu cần và chiến đấu bọc thép... Tuy nhiên, phía Đức không nêu rõ thời điểm vũ khí được chuyển giao cho Ukraine. Món quà của Berlin tiếp tục tiếp thêm sức mạnh quân sự cho Kiev, đặc biệt sau khi Mỹ tuần trước công bố gói viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng phòng không và duy trì nhu cầu đạn dược của Ukraine. 

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từng do dự về hỗ trợ Ukraine vào thời điểm đầu của  xung đột vì lo ngại vượt “lằn ranh đỏ” của Nga cũng như duy trì cách tiếp cận phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập niên của Đức về không cung cấp vũ khí sát thương cho khu vực khủng hoảng. Tuy nhiên, Berlin sau đó gây bất ngờ lớn khi trở thành một trong những nguồn cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Kiev.

Điều này đòi hỏi sự thay đổi chính sách lớn, đặc biệt trong tư duy mà Thủ tướng Scholz gọi là “Zeitenwende” (Bước ngoặt). Đó là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người ở Đức đều đồng ý với quyết định của chính phủ khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn gần đây để phản đối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Không chỉ cần viện trợ vũ khí

Trước khi đặt chân đến Đức, Tổng thống Zelensky gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Giáo hoàng Francis. Bên cạnh lời kêu gọi viện trợ thêm vũ khí, chuyến thăm các đồng minh châu Âu lần này được xem là dịp để nhà lãnh đạo Ukraine thảo luận sau rộng hơn với giới chức Ý và Đức về tiến trình Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Theo Reuters, tại Ý, nhà lãnh đạo Ukraine đã nhận được những cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự không giới hạn từ chính quyền nước này, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho mục tiêu gia nhập EU của Ukraine. Tương tự, các vấn đề đáng quan tâm khác như phòng không, tái thiết đất nước hậu xung đột, bảo đảm an ninh cho Ukraine, cũng như nỗ lực gia nhập EU của Ukraine cũng là điểm nhấn trong hội đàm tại Đức.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước suy giảm nghiêm trọng do xung đột, Ukraine đang rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để duy trì khả năng hoạt động của chính phủ, tiếp tục cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, triển khai công tác sửa chữa thiết yếu đối với cơ sở hạ tầng bị tàn phá và ổn định kinh tế.

Theo AP, tuyên bố chung được hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông qua ngày 13-5 cam kết khoản hỗ trợ ngân sách và kinh tế trị giá 44 tỷ USD cho Ukraine trong cả năm 2023 và đầu năm 2024. Ukraine cần 411 tỷ USD để phục hồi và tái thiết, cao gấp 2,6 lần tổng sản phẩm quốc nội ước tính năm 2022 của Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố, Washington kêu gọi thống kê lại các thiệt hại ở Ukraine, nhằm buộc Nga phải bồi thường sau xung đột.

Theo thăm dò của YouGov do DPA ủy quyền, hơn một nửa số người được hỏi không ủng hộ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, có tới 54% người Đức không ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh này, trong khi chỉ là 27% người ủng hộ. Theo khảo sát, 55% số người được hỏi kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán để chấm dứt xung đột.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.