Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, gần như chắc chắn nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng thêm hơn 1,5oC ở ít nhất một năm trong vòng 5 năm từ nay tới 2027. Cảnh báo đáng lo ngại đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra ngày 17-5.
Nắng nóng cực đoan gây ra nhiều vụ cháy rừng tại các nước. TRONG ẢNH: Đám cháy rừng ở vùng Castellon phía đông Tây Ban Nha vào tháng 3-2023. Ảnh: Sky News |
El Nino sắp “gõ cửa”
Theo báo cáo của WMO, hiện tượng El Nino phát triển trong những tháng tới sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên các mức kỷ lục trong khoảng thời gian từ năm nay cho tới năm 2027. Theo đó, đến 98% khả năng xảy ra tình huống một trong số 5 năm của giai đoạn này ghi nhận mức nhiệt trung bình toàn cầu vượt qua kỷ lục từng ghi nhận vào năm 2016, thời điểm diễn ra hiện tượng El Nino với cường độ bất thường. WMO cho rằng, khả năng giai đoạn 2023 - 2027 trở thành thời kỳ nóng nhất được ghi nhận cũng gần như xảy ra.
Thông thường, El Nino sẽ làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên vào năm kế tiếp với năm mà hiện tượng này xuất hiện. Do đó, với dự báo El Nino sẽ phát sinh trong năm nay thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao trong năm 2024. Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, ngoài việc El Nino sẽ xuất hiện trong những tháng tới, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng đang đẩy mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên đến mức hoàn toàn chưa từng ghi nhận trước đó.
“Các mức nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đẩy chúng ta ngày càng xa hơn với kiểu khí hậu quen thuộc. Chúng ta chưa bao giờ vượt qua mức 1,5oC. Kỷ lục tăng hiện nay là 1,28oC”, ông Leon Hermanson, chuyên gia về thời tiết thuộc Cơ quan thời tiết quốc gia Anh Met Offic và cũng là người chủ trì báo cáo của WMO, nói với Fox Weather. Theo Sky News, thế giới hiện cũng đã ấm hơn ít nhất khoảng 1,1oC so với mức nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp.
Kịch bản khó tránh khỏi
Khi nhiệt độ tăng cao hơn cũng sẽ kéo theo một loạt hệ quả như thời tiết cực đoan, mực nước biển tăng, băng tan ở địa cực, nước biển ấm lên và tình trạng axit hóa. “Điều này sẽ gây ra những hậu quả trên quy mô lớn với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần có sự chuẩn bị”, ông Taalas cảnh báo. Theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm ngoái ấm hơn khoảng 1,15oC so với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn 1850 - 1900. Ông Taalas lưu ý, báo cáo của WMO không có nghĩa nhân loại sẽ vĩnh viễn phải sống chung với mức nhiệt độ tăng hơn 1,5oC nhưng cảnh báo việc vượt qua mức nhiệt này sẽ tăng tần suất lặp lại.
Đến nay, gần như mọi quốc gia đều cam kết hành động để cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất ở mức chỉ là 1,5oC so với nhiệt độ trung bình của giai đoạn tiền công nghiệp. Những nước này đã ký thỏa thuận khí hậu Paris tại hội nghị khí hậu COP21 năm 2015 tại Pháp.
Trong nhiều hội nghị thượng đỉnh khí hậu của LHQ, dù cách dùng câu chữ trong các tài liệu, tuyên bố có thể được điều chỉnh đôi chút nhưng mục tiêu liên quan con số 1,5oC cho tới nay vẫn được duy trì như biểu tượng cho nỗ lực hành động chung của toàn cầu. Tuy nhiên, với thông báo mới nhất của WMO, lần đầu tiên giới khoa học đề cập việc “tiêu chuẩn” đó gần như chắc chắn bị “vi phạm” trong giai đoạn 2023 - 2027. Họ nhấn mạnh điều này đáng lo nhưng vẫn tin đó chỉ là tình thế tạm thời và nhiệt độ quả đất vẫn có thể giảm nếu thực hiện nỗ lực cắt giảm khí thải lâu dài và quyết liệt.
Dù thế nào, thời khắc WMO đưa ra cảnh báo này cũng là lúc khiến tất cả những ai đang tham gia vào công cuộc chống biến đổi khí hậu phải dừng lại để lo lắng và ngẫm ngợi, tính toán về các bước hành động cần thiết. Ông Doug Parr, nhà khoa học tại tổ chức GreenPeace UK nói: “Báo cáo của WMO phải là lời hiệu triệu để tăng cường nỗ lực toàn cầu trong giải quyết khủng hoảng khí hậu”.
TRẦN ĐẮC LUÂN
Thế giới sẽ có thêm 1 tỷ máy điều hòa Nhu cầu về máy điều hòa không khí đang tăng cao ở một số thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Theo Bloomberg, thế giới sẽ có thêm 1 tỷ chiếc điều hoà vào cuối thập niên này và thị trường có thể tăng gần gấp đôi trước năm 2040. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng phủ sóng điều hòa quá nhanh cũng có nguy cơ làm trầm trọng vấn đề nóng lên toàn cầu. Một trong những chất làm mát phổ biến nhất, hydrofluorocarbons (HFCs), có thể làm nóng gấp 1.000 lần CO2. Theo các nhà khoa học, việc không giảm đáng kể sự phụ thuộc vào (HFCs) có thể dẫn đến sự nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ này, làm gia tăng tần suất bão, hạn hán và nhiều đợt nắng nóng hơn. Ông Abhas Jha, chuyên gia của Ngân hàng thế giới về biến đổi khí hậu tại Singapore nói: “Nếu các tiêu chuẩn hiệu quả không được cải thiện thì hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen”. (T.L) |