Trong báo cáo được công bố gần đây về vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định, mạng xã hội rõ ràng đã tác động đến cuộc khủng hoảng này, đồng thời thừa nhận chưa hành động kịp thời để ngăn chặn tình huống này. Đây là tình huống mà nhiều ngân hàng trên thế giới đang và sẽ phải đối mặt trong thời đại số.
Khách hàng chờ rút tiền bên ngoài trụ sở ngân hàng SVB tại thành phố Santa Clara (Mỹ). Ảnh: Reuters |
FED chỉ ra tâm lý bị kích động và hoảng loạn trên mạng xã hội là một trong những nhân tố chính gây ra vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, dĩ nhiên cùng với đó là sự quản lý kém tại SVB cũng như sự buông lỏng giám sát của FED. Sẽ không nói quá khi cho rằng mạng xã hội thực sự là mối đe dọa đối với các ngân hàng bởi nó có thể kích động những cuộc rút tiền ồ ạt đôi khi chỉ bằng một “tweet” thiếu kiểm chứng, và điều này đã xảy ra với hai vụ sụp đổ ngân hàng gần nhất là SVB (Mỹ) và Credit Suisse (Thụy Sĩ).
Cuộc “tháo chạy” thời Twitter
Chứng kiến tốc độ rút tiền nhanh chóng dẫn tới sự sụp đổ của SVB vừa qua, nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ, gọi đó là vụ việc tháo chạy dòng tiền khỏi ngân hàng đầu tiên bị “kích hoạt” bởi Twitter. Tốc độ đó giống “cuộc đua nước rút” hơn là cuộc rút tiền ồ ạt bởi nó “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Hiện tượng rút tiền ồ ạt xảy ra khi khách hàng mất niềm tin vào khả năng “trông giữ” cũng như chi trả của ngân hàng và đồng loạt yêu cầu rút tiền khiến ngân hàng trở tay không kịp. Những tin đồn về khả năng chi trả của ngân hàng có thể được tích tụ trong nhiều tháng hay nhiều năm trước khi xảy ra tình huống đó nhưng cũng có khi xảy ra chỉ trong vài giờ.
Vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ cho tới nay là vụ của Washington Mutual năm 2008. Nếu vụ này diễn ra trong 8 tháng thì vụ của SVB chỉ “mất” hai ngày. GS. Michael Imerman, Trường kinh doanh Paul Merage thuộc Đại học California-Irvine, cho rằng những gì đã xảy ra với SVB cho thấy mạng xã hội là nhân tố quan trọng dẫn đến vụ sụp đổ. The Guardian dẫn phân tích của các chuyên gia cho thấy, chính các tweet lo lắng đăng trên Twitter, những trao đổi trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp, cộng thêm với tiện ích truy cập ứng dụng ngân hàng online là chất xúc tác quan trọng khiến khủng hoảng ngân hàng này tăng tốc như “chạy nước rút”. Trong thời đại mạng xã hội, hành vi tâm lý phía sau cuộc rút tiền ồ ạt có thể bị kích động và lây lan với tốc độ nhanh hơn nhiều tốc độ phản ứng với sự việc của các quan chức ngân hàng và cơ quan quản lý.
Hệ quả từ thông tin thiếu kiểm chứng
SVB có thể là ngân hàng đầu tiên đối mặt với tình huống rút tiền ồ ạt bị kích hoạt từ mạng xã hội, nhưng chắc chắn nó sẽ không phải ngân hàng duy nhất và cuối cùng lâm nạn mau hơn vì những “tút” kích động. Sự sụp đổ của Credit Suisse (Thụy Sĩ) hồi tháng 3-2023 hẳn nhiên có nhiều nguyên nhân sâu xa, nhưng theo Foreign Policy, nó thực sự cũng được “khơi mào” từ một tweet.
Thực tế, các vấn đề trục trặc trong hoạt động của Credit Suisse không hề mới, và trong một thập niên qua các khách hàng của họ cũng đã vượt qua hàng loạt bê bối cũng như những trồi sụt của giá cổ phiếu và cả những đợt rút tiền ồ ạt từng xảy ra. Tuy nhiên, tháng 10-2022, cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc 12% chỉ trong 24 giờ sau khi một nhà báo đăng tweet nói “một ngân hàng đầu tư quốc tế lớn” đang bên bờ vực sụp đổ. Tweet này sau đó được trang Investing.com diễn đạt lại và đăng lên cho hàng ngàn người theo dõi trang đọc. Cứ thế, tin đồn lan nhanh trên các diễn đàn online và tài khoản mạng xã hội, và ít nhất vào thời điểm ấy, đó là những thông tin chưa có căn cứ. The Guardian dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng chính cái tweet vô căn cứ đầu tiên của nhà báo đó và những hậu quả lan truyền ngấm ngầm của nó đã gây tổn thất nặng nề cho ngân hàng Thụy Sĩ.
Trách nhiệm của nhà quản lý Nếu trước đây khách hàng thường tìm hiểu, lắng nghe thông tin từ các ngân hàng, thì nay họ lại tiếp cận thông tin từ các trang blog và mạng xã hội. Đáng lo hơn khi những thao tác phản ứng của họ trước tin đồn chỉ cần một cú click chuột từ laptop hay điện thoại và ở bất cứ đâu. Hơn lúc nào hết, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các chủ ngân hàng lúc này cần phải đánh giá thật cẩn trọng về tác động của mạng xã hội đối với những sóng gió có thể xảy tới với lĩnh vực của mình, để từ đó có giải pháp vượt qua lời đồn một cách kịp thời và hiệu quả, trước khi tin đồn bị đẩy lên hay lan truyền và rồi “lộng giả thành chân”, như những gì đã xảy ra với SVB và Credit Suisse. |
TRẦN ĐẮC LUÂN