Các vấn đề có tầm quan trọng đối với nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay được thảo luận sâu rộng trong chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày 23 và 24-5 của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, qua đó tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (bên trái) tiếp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Diễn đàn doanh nghiệp Trung Quốc - Nga tại Thượng Hải ngày 23-5. Ảnh: Reuters |
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của ông Mishustin trên cương vị thủ tướng. Ngày 23-5, Thủ tướng Mishustin dự Diễn đàn doanh nghiệp Trung Quốc - Nga tại Thượng Hải. Ngày 24-5, ông Mishustin hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh để thảo luận hợp tác năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông và nông nghiệp. Theo kế hoạch, một số thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực này sẽ được ký kết.
Hợp tác năng lượng và nông nghiệp là trọng tâm
Theo Bloomberg, nội dung quan trọng đối với phái đoàn Nga trong chuyến thăm là đạt sự chắc chắn trong dự án “Sức mạnh Siberia-2” với khả năng cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt/năm. Đường ống bắt đầu từ phía tây Nga, chảy qua Mông Cổ để vào Trung Quốc, được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu của Nga. Đến nay, dường như tất cả các thông số của dự án được thống nhất và vấn đề vẫn nằm ở khâu ký kết thỏa thuận liên chính phủ để triển khai.
Rõ ràng, năng lượng sẽ là một phần quan trọng trong “Kế hoạch thúc đẩy các yếu tố chính của hợp tác kinh tế Nga-Trung đến năm 2030” sắp tới mà phía Nga đang soạn thảo. Dòng chảy năng lượng Nga sang Trung quốc vẫn đang tăng lên đều đặn. Năm 2022, Nga giao dầu nhiều hơn 8% cho Trung Quốc so với năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2023, lượng mua hàng tăng thêm 26,5%. Nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính, nguồn cung năng lượng của Nga cho Trung Quốc tăng 40% trong năm 2023.
Bên cạnh đó, phái đoàn Nga sẽ tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Nga ở Trung Quốc. Từ 4 tháng đầu năm 2023, Bắc Kinh tăng mua lúa mì Nga lên 60% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng mới đạt khối lượng không đáng kể, chỉ chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu do bị cản trở bởi hàng loạt vấn đề, trong đó có thách thức về vận tải. Theo Sputnik, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị nội các và ngân hàng trung ương nghiên cứu việc ký kết thỏa thuận liên chính phủ về Hành lang ngũ cốc trên đất liền Nga -Trung trước ngày 1-10.
Hướng đến lĩnh vực hợp tác có giá trị gia tăng cao hơn
Global Times dẫn lời ông Song Kui, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế khu vực Trung Quốc - Nga đương đại cho biết, Trung Quốc và Nga đang hướng đến các lĩnh vực hợp tác có giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chỉ tập trung vào hợp tác, trao đổi nguồn tài nguyên và nguyên liệu thô như hiện nay. Hai bên đang tính toán nhanh chóng mở rộng hợp tác thương mại sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn thông qua hợp tác chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như công nghệ kỹ thuật số. Diễn đàn doanh nghiệp Trung Quốc - Nga giúp tạo cơ hội quan trọng mở rộng hợp tác công nghiệp trong các lĩnh vực mang tính xu thế của thời đại số, gồm công nghệ cao, sản xuất thiết bị, người máy và công nghệ sinh học.
Khi Nga ngày càng xoay trục về phía đông để mở rộng thương mại, nước này cũng tiến hành hàng loạt động thái mới ở khu vực Viễn Đông để thúc đẩy đầu tư với Trung Quốc. Truyền thông Nga dẫn lời ông Mishustin cho biết, củng cố mối quan hệ Trung Quốc - Nga tác động tích cực đến kinh tế của hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với thương mại song phương đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD vào năm ngoái; đạt 73,15 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022; ước tính cán mốc 200 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Global Times, quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - Nga phù hợp với quy tắc quốc tế cũng như xu hướng toàn cầu hóa, và điều này mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân và sự phát triển lành mạnh của kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nhấn mạnh, hợp tác Trung Quốc - Nga không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và sẽ không bị gián đoạn hoặc ép buộc bởi bất kỳ bên thứ ba nào.
Châu Á tăng cường nhập khẩu năng lượng Nga mùa nắng nóng Theo Bloomberg, nắng nóng gay gắt đang thiêu đốt châu Á những tuần gần đây khiến châu lục này ngày càng phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo Công ty Kpler, xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Á tăng rõ rệt trong năm nay. Đây là hai loại nhiên liệu thường được sử dụng trong sản xuất điện. Cụ thể, số lượng than xuất khẩu của Nga tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4-2023, cao hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, LNG từ Nga tới châu Á tăng trong những tháng gần đây. Nhập khẩu dầu đốt (dầu FO) Nga vào lục địa này tăng vọt trong tháng 3 và tháng 4-2023. Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu giảm giá nhiều nhất của Nga và cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu đốt nhất từ nước này. Việc nhiều quốc gia châu Á ngày càng tăng mua năng lượng Nga, nhất là các nước nghèo, cho thấy họ có thể chấp nhận nguy cơ làm mất lòng Mỹ để mua năng lượng giá rẻ. |
THƯ LÊ