Nóng trong tuần: Diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine; WHO công bố chiến lược mới về Covid-19

.

Tuần qua xuất hiện một số diễn biến mới liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi WHO công bố chiến lược mới về phòng chống Covid-19 và Fed tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp dẫn đến những phản ứng của thị trường cũng là những vấn đề nổi bật trong tuần.

Hình ảnh cắt từ clip được cho là Điện Kremlin bị tấn công bởi UAV. Ảnh: Reuters
Hình ảnh cắt từ clip được cho là Điện Kremlin bị tấn công bởi UAV. Ảnh: Reuters

Diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine có thể chuyển sang bước ngoặt mới sau khi Điện Kremlin bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và Mỹ cùng EU tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Sáng 3-5, hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của bộ phận báo chí của Văn phòng Tổng thống Nga cho biết Điện Kremlin đã bị tấn công bằng 2 UAV.   

Cuộc tấn công đã gây ra những phản ứng  mạnh mẽ từ Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5-5 cho biết vụ tấn công là một "hành vi thù địch" và Moskva sẽ đáp trả bằng "những hành động cụ thể". Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 4-5 nói rằng "quyết định về một cuộc tấn công vào Điện Kremlin không được đưa ra ở Kiev mà là ở Washington".

Theo ông Peskov, mục tiêu và phương tiện của cuộc tấn công được chỉ đạo từ Mỹ. Ông nói: “Chúng ta biết rằng các quyết định về những hành động như vậy không được đưa ra ở Kiev, mà ở Washington, còn Kiev thực hiện". Ông lưu ý rằng "không phải lúc nào Kiev cũng được lựa chọn phương tiện, mà bị chỉ đạo từ bên kia đại dương”.

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay lập tức phủ nhận mọi cáo buộc về vai trò của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Chúng tôi không tấn công Putin, hoặc Moskva, chúng tôi chiến đấu trên lãnh thổ của mình” trong khi một quan chức cấp cao của Tổng thống Ukraine cho rằng sự cố ngày 3-5 thực chất là chiêu trò của Moskva để chuẩn bị “hành động khiêu khích”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington không thể xác thực thông tin về cuộc tấn công, nhấn mạnh cần thận trọng với những khẳng định của Nga.

Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 3-5 đã công bố một lô viện trợ pháo hạng nặng và đạn tên lửa mới cho Ukraine trước cuộc tấn công theo kế hoạch nhằm đẩy lùi các lực lượng của Nga. Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã thông báo "một gói hỗ trợ an ninh mới để giúp Ukraine tiếp tục tự vệ", bao gồm đạn dược cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất có độ chính xác cao, "cũng như các loại lựu pháo, đạn pháo, đạn cối bổ sung và khả năng chống thiết giáp".

Đến ngày 5-5, EU cũng quyết định cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1 tỷ euro theo Cơ chế hòa bình châu Âu (EPF). Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết gói hỗ trợ 1 tỷ euro này sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Cũng theo ông Josep Borrell, đến nay EU đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine 5,6 tỷ euro trong khuôn khổ EPF. 

Theo kế hoạch, số tiền 1 tỷ euro nói trên sẽ được dùng để mua đạn pháo cỡ nòng 155 mm cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong trường hợp cần thiết, các nước thành viên EU sẽ mua chung tên lửa từ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu để cung cấp cho Kiev. Tuy nhiên, để đủ điều kiện được giải ngân từ quỹ EPF, các hợp đồng mua bán này phải được hoàn tất trước ngày 30-9 năm nay trong khuôn khổ của một dự án thuộc Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) hoặc thông qua các dự án mua chung do một quốc gia thành viên EU dẫn đầu.

WHO công bố chiến lược mới về phòng chống Covid-19, dỡ bỏ tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về Covid-19

Ngày 5-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus nêu rõ quyết định này không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu và vẫn cần hết sức thận trọng.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh:
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh:

Lần đầu tiên WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về Covid-19 vào ngày 30-1-2020. Mức cảnh báo này được hội đồng chuyên gia y tế toàn cầu của WHO duy trì tại các cuộc họp tổ chức 3 tháng một lần kể từ đó đến nay. Vào tháng 3-2020, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan mạnh trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm từ mức kỷ lục hơn 100.000 người/tuần trong tháng 1-2021 xuống còn hơn 3.500 người/tuần trong tuần từ ngày 14-21-4 vừa qua.

WHO ước tính trên phạm vi toàn cầu, số người tử vong do Covid-19 có thể lên tới "ít nhất 20 triệu người", cao gần gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức khoảng 6,9 triệu người tử vong. Đến ngày 3-5, số liệu chính thức cho thấy có hơn 765 triệu người mắc căn bệnh này.

Trước đó, theo hãng tin AFP, WHO ngày 3-5 đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 cho giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.

Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây truyền của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài hơn".

Việc công bố này diễn ra trước thềm cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO để quyết định liệu có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch Covid-19 hay không. Quyết định cuối cùng, thuộc về Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, có thể không được công bố cho đến vài ngày sau cuộc họp này.

Fed tăng lãi suất và phản ứng của thị trường

Theo hãng tin AP, ngày 3-5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm (0,25%) lên 5,1% nhằm hạ nhiệt lạm phát, một động thái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người dân Mỹ.

Nguyên nhân khiến Fed tăng lãi suất được cho là do lạm phát. Trong những tháng gần đây, Mỹ ghi nhận lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá tiêu dùng đã tăng 5% trong tháng 3, giảm so với mức tăng 6% của tháng 2-2022.

Fed đã đề ra mục tiêu làm chậm tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về nhà ở, ô tô và các hàng hóa và dịch vụ khác, và cuối cùng dẫn tới hạ nhiệt nền kinh tế và giảm giá. Chủ tịch Fed Jerome Powell trước đây đã thừa nhận rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ mang lại “một số tổn thất” cho các hộ gia đình nhưng ngân hàng phải làm như vậy để hạ nhiệt lạm phát tăng cao.

Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Ảnh: vox.com
Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Ảnh: vox.com

Ngay sau động thái của Fed, chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ vào cuối phiên giao dịch ngày 3-5, phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư. Điều này đã khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư còn nhiều nghi ngại về triển vọng kinh tế. Theo đó, giá vàng giao tháng 6 tại đã tăng 13,7 USD (0,68%), lên 2.037 USD/oz.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm 0,58% còn 101,3551 vào cuối phiên giao dịch. Sau quyết định của Fed, giá dầu thế giới tiếp tục giảm. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6-2023 giảm 3,06 USD (4,27%) xuống 68,60 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 7-2023 cũng giảm 2,99 USD (3,97%) xuống 72,33 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.

Hành động trên là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3-2022. Nhưng trong tuyên bố chính sách đi kèm, Fed không còn lập luận rằng một số chính sách "cứng rắn" bổ sung có thể phù hợp để đảm bảo chính sách tiền tệ đủ thắt chặt nhằm đưa lạm phát trở về mức 2%. Thay vào đó, Fed cho biết cơ quan này sẽ đánh giá tình hình kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính trong thời gian tới để xác định mức độ phù hợp của các chính sách bổ sung.

IMF nâng dự báo và cảnh báo những rủi ro đối với kinh tế châu Á

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 2-5 đã nâng dự báo kinh tế châu Á trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc góp phần củng cố tăng trưởng, song cảnh báo rủi ro từ lạm phát dai dẳng và biến động thị trường toàn cầu do những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

IMF dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu. Năm ngoái, kinh tế châu Á đã tăng trưởng 3,8%. Báo cáo IMF cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực chính, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%. Trong khi, tăng trưởng ở phần còn lại của châu Á được IMF dự đoán sẽ chạm đáy trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo kinh tế của châu Á cho năm 2023 khi Trung Quốc phục hồi sau đại dịch. Ảnh:  Reuters
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo kinh tế của châu Á cho năm 2023 khi Trung Quốc phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Reuters

IMF nhận định châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một điểm sáng năng động, dù năm 2023 có thể là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu khi tăng trưởng giảm tốc do việc thắt chặt chính sách tiền tệ và cuộc xung đột Nga và Ukraine vẫn tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế chung, áp lực lạm phát dai dẳng cũng như các vấn đề của lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang làm gia tăng sự không chắc chắn trong một bức tranh kinh tế vốn đã nhiều phức tạp.

Theo IMF, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến kinh tế châu Á, nhất là đối với tiêu dùng và nhu cầu của ngành dịch vụ. Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của IMF cho biết: “Châu Á và Thái Bình Dương sẽ là khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lạc quan của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ... Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu nội địa dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á trong năm 2023".

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.