Micron Technology, nhà sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ, trở thành công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc ra lệnh cấm với lý do “rủi ro an ninh mạng tương đối nghiêm trọng”. Động thái này đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến công nghệ dai dẳng giữa hai nền kinh thế lớn nhất thế giới.
Thị trường Trung Quốc chiếm tới 11% doanh thu của hãng chip Mỹ Micron. Ảnh: Reuters |
Vụ việc của Micron nổi lên như phép thử về việc liệu Bắc Kinh có sẵn sàng lần đầu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế chống lại một công ty lớn của Mỹ hay không. Theo Bloomberg, lệnh cấm được đưa ra vào ngày 21-5 sau khi Micron không vượt qua cuộc đánh giá an ninh mạng của Bắc Kinh. Theo kết luận, các sản phẩm của Micron có “rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây nguy cơ bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và an ninh quốc gia”.
Do vậy, mọi sản phẩm của công ty này không được phép bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CIIO) tại Trung Quốc. CIIO ở Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực rất rộng, nhiều trong số đó được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia và sinh kế của người dân như giao thông, dịch vụ thông tin và truyền thông, tài chính, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Quyết định được Trung Quốc đưa ra sau 7 tuần Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) tiến hành điều tra các sản phẩm của Micron cuối tháng 3-2023 với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, CAC không tiết lộ đã đánh giá sản phẩm nào, cũng như phương pháp đánh giá.
Theo giới quan sát, lệnh cấm được xem là hành động đáp trả cứng rắn của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ tìm cách cắt đứt quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với chip cao cấp và vận động các đồng minh thân cận có kế hoạch tương tự. Bên cạnh đó, đây là động thái cũng có thể ngầm hiểu là cách Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo tới các nước láng giềng như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những bên bắt đầu có động thái “nối gót” Washington. Trong khi đó, New York Times dẫn nhận định của chuyên gia Graham Webster từ Trung tâm chính sách mạng của Đại học Stanford cho biết, quyết định của Trung Quốc là bước đi trước về tăng cường biện pháp giảm thiểu rủi ro trong trường hợp nguồn cung từ Mỹ có thể bị cắt.
Ngày 22-5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nước này kiên quyết phản đối các hạn chế không có cơ sở thực tế, đồng thời cho rằng động thái cấm Micron không phù hợp với các cam kết đã nêu của Bắc Kinh đối với thị trường mở khung pháp lý minh bạch. Trong khi đó, SCMP dẫn thông báo của công ty Micron cho biết đang cân nhắc các bước hành động tiếp theo và muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc giải quyết sự vụ này.
Ngay sau lệnh cấm, cổ phiếu của Micron giảm tới 6,8% trong phiên giao dịch ngày 22-5, đánh dấu mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11-2022, trong khi các đối thủ ở châu Á đều ghi nhận mức tăng cao. Theo Bloomberg, mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm đối với Micron có thể tương đối lớn bởi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 25% trong tổng doanh thu toàn cầu 30,8 tỷ USD vào năm 2022 của công ty. Uớc tính, Micron có thể thiệt hại khoảng 11% doanh thu mỗi năm do hành động pháp lý của CAC. Các khách hàng ở Trung Quốc của Micron nhiều khả năng tìm cách thay thế chip bộ nhớ của Mỹ bằng các phiên bản sản xuất trong nước hoặc của các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix Inc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại công ty tài chính Jefferies Financial Group Inc. (Mỹ) lại cho rằng, quyết định của CAC có thể sẽ tác động nhỏ đến Micron vì nó chỉ nhắm vào “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”, nghĩa là các hoạt động của trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây có rủi ro bảo mật. Trong khi đó, hầu hết các chip bộ nhớ của Micron được bán ở Trung Quốc đều được sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, như điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Theo CNN, vụ việc liên quan đến Micron tiếp tục mang đến nỗi lo cho các nhà sản xuất chip khác của Mỹ như Qualcomm Inc. và Intel Corp. vốn cung cấp hàng tỷ con chip cho Trung Quốc khi họ lo sợ sẽ trở thành công ty tiếp theo bị đưa vào tầm ngắm của Bắc Kinh.
Lĩnh vực công nghệ đã trở thành mặt trận cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về an ninh quốc gia. Mỹ tận dụng các công cụ thương mại quốc tế để làm suy yếu nỗ lực tăng cường năng lực bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Washington đã đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, cắt đứt dòng chảy của các bộ vi xử lý tinh vi và cấm công dân hỗ trợ nhất định cho công nghiệp chip Trung Quốc. Theo CNN, Bắc Kinh đang chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 146 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm giảm thuế và trợ cấp.
THƯ LÊ