Trung Quốc siết chặt kiểm soát an ninh dữ liệu

.

Trung Quốc đang tăng cường biện pháp hạn chế quyền truy cập của các công ty nước ngoài vào các nguồn dữ liệu của nước này nhằm cảnh giác trước sự thăm dò an ninh của Mỹ. Đây cũng được xem là bước đáp trả các doanh nghiệp phương Tây đang làm ăn tại đây sau nhiều năm Bắc Kinh phải đối mặt với hàng loạt hạn chế về thương mại và công nghệ do Mỹ khởi xướng.

Trung Quốc hạn chế quyền truy cập của các công ty nước ngoài vào các nguồn dữ liệu. TRONG ẢNH: Camera quan sát ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Trung Quốc hạn chế quyền truy cập của các công ty nước ngoài vào các nguồn dữ liệu. TRONG ẢNH: Camera quan sát ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hạn chế quyền truy cập cơ sở dữ liệu

Theo Wall Street Journal (WSJ), Bắc Kinh siết chặt kiểm soát dữ liệu nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng với Washington gia tăng. Bất chấp nỗ lực của chính quyền Trung Quốc về kêu gọi đầu tư nước ngoài trong năm nay để thúc đẩy hồi phục kinh tế hậu Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang gặp khó với tình trạng thiếu thông tin ở hầu hết các khu vực kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bình luận về diễn biến này, ông Dakota Cary, chuyên gia tư vấn tại Tập đoàn Krebs Stamos, nói: “Đó là động thái cương quyết của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu. Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng hơn bởi quyết định này.”

Thông thường, các nhà nghiên cứu và tổ chức tư vấn tìm kiếm thông tin kinh tế Trung Quốc dựa vào các nguồn cơ sở dữ liệu công khai của nước này, qua đó tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề và ngành nghề đầu tư, kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, các nền tảng cung cấp dịch vụ này của Trung Quốc như Wind Information Co. trong những tháng gần đây đã ngừng cung cấp dữ liệu chi tiết về các công ty của quốc gia này cho khách hàng nước ngoài.

Sở dĩ Trung Quốc phải hạn chế quyền truy cập dữ liệu vì giới chức nước này ngày càng lo ngại về sự gia tăng các nghiên cứu chuyên sâu về Bắc Kinh của các tổ chức tư vấn Mỹ dựa trên các nguồn dữ liệu lâu nay. Các nghiên cứu của phương Tây tập trung các vấn đề nhạy cảm như hợp tác giữa quân đội Trung Quốc và các tổ chức tư nhân, cũng như cách Bắc Kinh triển khai chương trình tuyển dụng nhân tài toàn cầu để thúc đẩy mục tiêu phát triển chiến lược. Bản tóm tắt do Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown (Mỹ) công bố gần đây thu hút sự chú ý khi tài liệu này cho rằng, quân đội Trung Quốc đã tiếp cận các con chip tiên tiến do Mỹ thiết kế nhằm phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).

Cũng từ ngày 1-4, nhiều trường đại học, tổ chức nghiên cứu quốc tế bị cắt quyền truy cập Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc (CNKI), cơ sở dữ liệu học thuật lớn nhất của nước này. “Dữ liệu của Trung Quốc đang dần trở nên ít khả dụng hơn”, ông Hao Hong, chuyên gia kinh tế tại Grow Investment Group, nói với Bloomberg.

Giám sát doanh nghiệp phương Tây 

Quy định hạn chế truy cập dữ liệu cũng trùng với thời điểm Bắc Kinh tăng cường giám sát các công ty nước ngoài thường xuyên thu thập thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo WSJ, việc chính quyền Bắc Kinh khám xét văn phòng của công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz Group (Mỹ) tại thủ đô này và bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc vào tháng 3-2023 do nghi ngờ có hoạt động bất hợp pháp là một trường hợp điển hình. Vụ việc này khiến các doanh nghiệp nước ngoài khác phải xem xét khẩn cấp sự an toàn của nhân viên cũng như dừng một số kế hoạch phát triển tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc vẫn thận trọng trong cách chuyển chiến lược kiềm chế sang trả đũa trên diện rộng bởi lẽ Bắc Kinh vẫn cần các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Theo đó, chính quyền sẽ nhắm vào các ngành công nghiệp và doanh nghiệp gây ít thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ kiềm chế các biện pháp cứng rắn đối với các công ty đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này vẫn hoan nghênh các công ty nước ngoài miễn họ tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

Theo Reuters, những động thái trên cho thấy Bắc Kinh đang tập trung trở lại vào vấn đề an ninh quốc gia trong bối cảnh quan hệ với Mỹ chạm đáy. Ông Alfred Wu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết: “Ở Trung Quốc, an ninh giờ đây vượt trội hơn tất cả mọi thứ, từ kinh tế cho đến ngoại giao”. Chính quyền nước này cũng đã bổ sung khái niệm “an ninh bên ngoài” và “an ninh quốc tế”, điều mà giới phân tích cho rằng báo hiệu trọng tâm mới trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài, cụ thể là Washington.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.