Giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng, bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ được xem như một phần của cuộc “trưng cầu ý dân” về cách đương kim Tổng thống Joe Biden điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại buổi ký phê chuẩn Đạo luật chips và khoa học bên ngoài Nhà Trắng năm 2022. Ảnh: AFP |
Ngày 28-6 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden có bài phát biểu về “Bidenomics”, cụm từ mới nhằm định hình lại chương trình tái tranh cử của ông vào năm 2024, trong đó tập trung vào kinh tế. Ông Biden tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ phát triển nếu tập trung vào tầng lớp trung lưu. Song dường như truyền thông của Mỹ không thực sự bị thuyết phục với chiến lược này.
Trọng tâm của “Bidenomics”
Trong nỗ lực “đả thông” tư tưởng ở các cử tri vốn còn hoài nghi về “Bidenomics”, ông Biden vừa “kích hoạt” chiến dịch tranh cử toàn quốc với bài phát biểu mà trọng tâm là những định hướng phát triển kinh tế cốt lõi trong thời gian tới. Ngày 28-6, ông Biden cùng những trợ lý cấp cao nhất công du Chicago, thành phố lớn nhất của bang miền trung Illinois, để trình bày bài diễn thuyết lớn về Bidenomics. Động thái này cho thấy mức độ tự tin ngày càng tăng của Nhà Trắng về việc ông Biden có thể giành thêm tín nhiệm chính trị nhờ vào chính sách điều hành kinh tế có tác động trên quy mô lớn.
Dù đã có hơn 13 triệu việc làm được tạo ra trong thời gian tại nhiệm của ông Biden nhưng các kết quả thăm dò dư luận gần đây vẫn cho thấy, nhiều người Mỹ không đồng tình với cách điều hành kinh tế của ông. Do đó, giới chức Nhà Trắng hy vọng giờ là lúc họ có cơ hội tốt hơn để đảo ngược vấn đề. “Chúng ta đã nhìn thấy lễ khởi công trên các công trường xây dựng, đầu tư tư nhân tăng trở lại, hàng triệu việc làm được tạo ra. Dựa trên tất cả những thành tựu đó. Đây chính là Bidenomics”, bà Olivia Dalton, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng, nói ngày 28-6. Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai dùng thuật ngữ “Bidenomics”.
Bàn về nội dung này, bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia (NEC) của Nhà Trắng, cho biết Tổng thống Biden cam kết áp dụng cách tiếp cận rất khác. Đó là tầm nhìn về việc phát triển nền kinh tế từ trung lưu và đầu tư từ dưới lên. Bản thân Tổng thống Biden từng cho biết ông mệt mỏi với nền kinh tế nhỏ giọt, vốn là một phần trong “Reaganomics” của cựu Tổng thống Ronald Reagan.
Cho tới nay, “Bidenomics” đã bơm hàng tỷ USD vào hạ tầng, năng lượng sạch và công nghiệp sản xuất chip. Ngày 26-6, Tổng thống Biden thông báo khoản đầu tư 40 tỷ USD để người Mỹ kết nối với internet tốc độ cao, giá cả phải chăng. Nhà Trắng cho biết những khoản đầu tư như vậy là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự “Bidenomics”. Thực tế, những lập luận về kinh tế của Nhà Trắng được thuyết phục phần nào từ thực tiễn nước Mỹ đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm nay một cách an toàn, quốc gia này cũng đã tránh được kịch bản vỡ nợ thảm họa trong tháng 6-2023 sau khi ông Biden đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa.
Liệu có đủ thuyết phục?
Tổng thống Biden đang đặt cược rằng các khoản đầu tư có mục tiêu của chính phủ có thể tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giúp đỡ người lao động. Trong hai năm đầu tiên khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden thúc đẩy thông qua dự luật xây dựng cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, tài trợ cho các nhà máy sản xuất chip máy tính và giảm thuế để khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, nỗi lo với Nhà Trắng lúc này sẽ là những khó khăn kinh tế từng phát sinh thời gian qua, gồm vật giá leo thang, thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng, giờ đây đã “ăn sâu” vào tâm trí của nhiều người Mỹ theo cách đó là những thất bại chính sách của chính quyền ông Biden. Chưa kể, đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích chính sách kinh tế của ông Biden, nhất là vấn đề lạm phát, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng ở mức 4% trong tháng 5-2023, cao hơn các mức lạm phát ở giai đoạn trước Covid-19. “Ông Biden vẫn tiếp tục theo đuổi những chính sách tương tự của Chính phủ, chi tiêu lớn vốn đã đẩy chúng ta vào mớ rắc rối này ngay từ đầu”, ông John Thune, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang South Dakota, chỉ trích.
Ngoài ra, hiện chưa thể biết liệu những cải thiện về kinh tế sẽ tiếp tục như thế nào. Dù Cục dự trữ liên bang Mỹ không còn dự báo về cuộc suy thoái nhưng họ vẫn dự kiến tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong năm nay và chính sách thắt chặt tiền tệ này nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới những dự liệu lạc quan của Nhà Trắng về tương lai kinh tế Mỹ.
TRẦN ĐẮC LUÂN