Các nước dần quay lưng với du lịch đại trà

.

Kể từ đầu năm 2023, chính quyền Bali (Indonesia) trục xuất 136 du khách nước ngoài do hành vi sai trái, trong đó có cư xử không đứng đắn và vi phạm pháp luật; đồng thời ấp ủ kế hoạch giới hạn số lượng du khách. Bức tranh du lịch với nhiều biến chuyển ở Bali cho thấy hòn đảo này đang thoát mác “thiên đường du lịch giá rẻ” để chủ động chuyển hướng từ du lịch đại trà giá rẻ (mass tourism) vốn lấy số đông để tăng doanh thu sang du lịch chất lượng, tạo giá trị gia tăng cao.

Khách du lịch tại đảo Penang, một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Malaysia. Ảnh: SCMP
Khách du lịch tại đảo Penang, một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Malaysia. Ảnh: SCMP

Theo các chuyên gia, việc hạn chế luồng du khách quá đông là ý tưởng hay nhưng khó có thể thực hiện một sớm một chiều và cần tránh tình trạng “no dồn, đói góp”.

Trải thảm đỏ đón du khách chất lượng cao

Tháng 5-2023, Bloomberg dẫn lời Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết chính quyền địa phương muốn giới hạn số lượng khách du lịch và yêu cầu mọi người đăng ký trước một năm để đặt chân tới hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng. Ý tưởng này nhằm hỗ trợ mục tiêu của Bali là hạn chế những hệ lụy lâu dài của du lịch đại chúng. “Nếu có hạn ngạch, tất cả du khách sẽ phải xếp hàng. Những người muốn đến vào năm tới có thể đăng ký từ bây giờ. Đó là hệ thống mà chúng tôi muốn áp dụng”, ông Koster nói.

Sở dĩ quan chức này đưa ra tuyên bố như vậy bởi sự gia tăng đáng lo ngại gần đây về trường hợp khách du lịch không tuân thủ luật pháp và văn hóa, truyền thống địa phương. Quan điểm cứng rắn của chính quyền Bali cho thấy họ nhận thức rõ hơn về cái giá của du lịch đại trà lâu nay và lý do cần phải thay thế bằng môi trường du lịch văn minh, bền vững như những gì ông Koster chia sẻ: “Du lịch vẫn là trụ cột, nhưng nó sẽ ở vị thế khác nhiều so với trước đây”.

Chính phủ Indonesia đang xem xét ban hành “thuế du lịch” lên tới 150 USD đối với du khách đến Bali trong nỗ lực hạn chế hệ lụy từ du lịch giá rẻ. Tuần trước, giới chức Bali công bố kế hoạch đóng cửa 22 ngọn núi ở Bali với tất cả khách du lịch, gồm núi Batur nổi tiếng. Giờ đây, hòn đảo thiên đường này muốn trải thảm đỏ chào đón nhóm du khách thuộc diện “du mục công nghệ số”, người về hưu hay người có kiến thức về y tế.

Thực tế, Bali không phải là nơi duy nhất tính toán hạn ngạch về du khách bởi nhiều quốc gia đã chủ động thực hiện giải pháp này. Theo Euronews, một số điểm đến tại châu Âu và châu Á đang đối phó với quá tải du lịch ngay từ đầu mùa cao điểm du lịch hè, sau thời gian “ngành công nghiệp không khói” phải “ngủ đông” do Covid-19. Đảo Lanzarote (Tây Ban Nha) gần đây tuyên bố là khu vực bão hòa du lịch bởi có quá nhiều du khách gây áp lực cho người dân địa phương và nguồn lực ít ỏi của đảo. Bước đi này cho thấy chính quyền Lanzarote muốn hướng đến môi trường du lịch văn minh để bảo đảm chất lượng sống cho người dân.

Theo SCMP, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tháng 4-2023 tương đương với thời điểm trước Covid-19. Giới chức thừa nhận, hàng triệu du khách có thể là “con dao hai lưỡi” với nguy cơ quá tải ngày càng hiện hữu. Chính phủ muốn khuyến khích nhiều du khách nước ngoài tránh xa các điểm đến truyền thống như Tokyo, Kyoto hoặc Osaka và khám phá điểm đến nông thôn ở các tỉnh lẻ.

Nơi đầu tiên ở Đông Nam Á cấm Airbnb

Hành vi cư xử không đúng mực của một số du khách là nguyên nhân chính khiến đảo Penang, một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Malaysia, trở thành nơi đầu tiên ở Đông Nam Á ban hành lệnh cấm đối với loại hình cho thuê nơi lưu trú ngắn ngày, gồm cả dịch vụ thông qua các ứng dụng trực tuyến như trên Airbnb, Agoda và Booking.com. Chính quyền địa phương đã nhận được hàng loạt khiếu nại của người dân về hành vi cư xử không đúng mực của du khách gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại các tòa nhà có dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày. Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư thâu tóm loạt bất động sản để cho thuê lại nhằm thu lời cũng khiến chi phí thuê nhà ở địa phương trở nên đắt đỏ.

Trong khi nhiều chủ nhà Airbnb tỏ ra không hài lòng với lệnh cấm này thì một số cư dân địa phương lại rất vui mừng. Một thành viên của Hội đồng hành pháp bang Penang cho biết: “Cho dù mọi người có thích hay không, chúng tôi vẫn kiên quyết về vấn đề này. Các khu nhà ở là dành cho cư dân. Nếu bạn đi nghỉ, hãy đến khách sạn”. Lệnh cấm đã được thảo luận trong hơn một năm, và có hiệu lực kể từ ngày 25-5.

Theo quy định mới, chỉ những bất động sản thương mại, chẳng hạn như căn hộ dịch vụ hay một số loại hình văn phòng, mới có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn, với điều kiện phải đăng ký, nộp phí hằng năm và có sự chấp thuận của 75% cư dân trong tòa nhà trở lên. Du khách chỉ có thể lưu trú tại các đơn vị đã được phê duyệt trong tối đa 3 ngày cho mỗi lần đặt phòng và mỗi đơn vị chỉ được khai thác phòng không quá 180 ngày mỗi năm.

Thực tế, biện pháp này đã thực hiện tại một số thành phố châu Âu mà gần đây nhất là thành phố Florence (Ý) với lệnh cấm đối với các căn hộ Airbnb đăng ký mới ở trung tâm nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân địa phương.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.