Châu Âu muốn bớt lệ thuộc Mỹ, nhưng có dễ?

.

Đầu tuần này, phát biểu tại hội nghị lớn tổ chức bên lề triển lãm công nghiệp hàng không lớn nhất thế giới Paris Air Show, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa nhấn mạnh thông điệp: Liên minh châu Âu (EU) cần phải tự chủ và độc lập hơn trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại triển lãm hàng không Paris Air Show tại sân bay Paris Le Bourget ngày 19-6.  Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại triển lãm hàng không Paris Air Show tại sân bay Paris Le Bourget ngày 19-6. Ảnh: AP

“Không mua những gì không dùng đến”

Theo AP, phát biểu tại diễn đàn có các bộ trưởng quốc phòng và đại diện của 20 nước châu Âu ngày 19-6, ông Macron kêu gọi EU hãy xây dựng chiến lược bảo vệ không phận của khối và thay đổi tình thế bị lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Thực tế, đây đã là vấn đề được tranh luận từ lâu trong nội bộ EU nhưng được khơi lại như vấn đề cấp bách hơn từ khi xung đột bùng nổ tại Ukraine.

Theo các nhà tổ chức sự kiện của Pháp, các cuộc thảo luận gồm những vấn đề như khả năng tác chiến chống máy bay không người lái (drone) và phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Những nội dung bàn thảo này cho thấy, xung đột ở Ukraine đang diễn ra phần nào cho thấy tầm quan trọng cũng như hiệu quả thực tiễn của các loại vũ khí này. Ngoài ra, vấn đề răn đe hạt nhân cũng nằm trong chương trình nghị sự.

“Chúng ta cần biết tình huống đe dọa là gì và nếu thế thì chúng ta, những người châu Âu, có thể sản xuất những gì? Và chúng ta cần phải mua gì ở tình huống đó”, ông Macron nói và phản đối việc mua ngay lập tức “những thứ không dùng đến”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng hối thúc các nhà thầu quốc phòng EU xây dựng hệ thống quân sự độc lập và dời chuỗi sản xuất của họ về lại “lục địa già”. Ông cũng kêu gọi thiết lập các tiêu chuẩn được tăng cường của châu Âu. “Tại sao chúng ta vẫn cần mua của Mỹ quá thường xuyên vậy? Vì người Mỹ đã tiêu chuẩn hóa nhiều hơn chúng ta, và vì họ có những cơ quan liên bang đã cung cấp những khoản trợ giá khổng lồ cho các nhà sản xuất của họ”, ông Macron lập luận.

Thực tế, mong muốn EU tự chủ hơn về quốc phòng không chỉ của riêng nước Pháp. Quan điểm này cũng đã được nhiều quan chức khối này lưu ý thời gian qua. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, ông Jiri Sedivy, Giám đốc điều hành Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) cảnh báo, châu Âu không thể trông cậy vào Mỹ như tấm lá chắn duy nhất mà phải chủ động phát triển năng lực quân sự của mình.

Châu Âu phải tự bảo vệ

Pháp từng là quốc gia công khai chỉ trích kế hoạch do Đức dẫn dắt nhằm nâng cao năng lực phòng không của châu Âu. Dự án nằm trong kế hoạch này có tên “Lá chắn bầu trời châu Âu” được khởi động từ cuối năm ngoái với sự tham gia của 17 nước châu Âu, gồm cả Anh nhưng không có Pháp. Dự án này dự kiến hợp nhất với hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của NATO. Tuy nhiên, Paris tin rằng dự án này không thực sự bảo vệ chủ quyền châu Âu vì cho rằng nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Israel.

Như vậy, trong vấn đề này đã có sự chia rẽ rất lớn trong lòng EU, giữa hai nền kinh tế dẫn đầu là Đức và Pháp. Ngày 19-6, trong cuộc họp báo tại Berlin với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết cũng như quan điểm kiên định của Berlin: “Với sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu, chúng ta sẽ đưa các nước châu Âu lại gần nhau để cùng tăng cường sự bảo vệ trước tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone”. Nhà lãnh đạo Đức không đề cập phản đối của Paris với sáng kiến an ninh này.

Truyền thông quốc tế trước đó cho biết, kế hoạch củng cố hệ thống phòng không do Đức dẫn dắt sẽ có hệ thống phòng không Arrow 3 của Israel và được tích hợp với các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ hiện có ở EU. Thực tế cho thấy, quốc phòng vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi nhiều lần giữa Paris và Berlin. Pháp phàn nàn Đức không hành động đủ vì khu vực trong suốt nhiều năm, chỉ tới khi xung đột bùng nổ tại Ukraine thì mới bắt đầu công bố tăng mức chi khủng cho quân sự. Trong phát biểu ngày 19-6, như để đối trọng với Berlin, ông Macron cho biết, hệ thống chống tên lửa Mamba do Pháp và Ý cùng phát triển hiện đã triển khai và hoạt động tại Ukraine, bảo vệ nhiều cơ sở hạ tầng và sinh mệnh”. Đây chính là hệ thống vũ khí đã được Paris và Rome công bố chuyển cho Kiev trong tháng 2-2023. “Đó mới thực sự là châu Âu đang bảo vệ châu Âu”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.