Nhiều nghiên cứu mới đây đều dự báo, nếu không có biện pháp hợp lý, nắng nóng tăng cao liên tục tại châu Á sẽ vượt quá giới hạn sống sót của con người vào năm 2050, tàn phá khủng khiếp nhiều vùng trọng điểm ở châu lục này.
Tuần trước, 220 triệu dân nhiều vùng thuộc bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng lên đến 47oC. Theo giới chuyên gia, khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn, thử thách khả năng thích ứng của nước này. Ấn Độ sẽ gánh nguy cơ nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng khí hậu, có khả năng ảnh hưởng đến 1,4 tỷ người. Nghiên cứu khác được Đại học Cambridge kết luận: các đợt nắng nóng ở Ấn Độ đang đặt gánh nặng chưa từng có lên nông nghiệp, nền kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này.
Không chỉ ở Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan cũng đang phải đối mặt với vấn đề nền nhiệt tăng cao. Tuần trước, nhiệt độ của Bắc Kinh tăng vọt trên 41oC, lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất của thủ đô trong tháng 6-2023. Nhiệt độ vùng đông bắc Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì ở mức cao trên 40oC. Theo đài quan sát khí tượng của nước này, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Trong khi đó, Thủ đô Islamabad (Pakistan) cũng chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ tăng vọt lên 39oC.
GIA NGHI