Năng lượng Nga vẫn "chảy" mạnh sang Ấn Độ, Trung Quốc

.

Báo cáo mới nhất ngày 13-6 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, Nga tiếp tục là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và hai quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tàu chở dầu Suez Fury đang cập cảng ở Kozmino tại vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) tháng 12-2022. Ảnh: Reuters
Tàu chở dầu Suez Fury đang cập cảng ở Kozmino tại vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) tháng 12-2022. Ảnh: Reuters

Tháng 4-2023, lần thứ hai trong hai tháng liên tiếp, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc và Ấn Độ. Tháng 5-2023, hai nước lần lượt đứng số 1 và số 3 thế giới về lượng nhập khẩu dầu này mua tổng cộng khoảng 110 triệu thùng dầu thô của Nga, tăng gần 10% so với tháng trước đó.

Tăng kỷ lục vì giá tốt

Theo OPEC, trong tháng 4-2023, dầu Nga chiếm khoảng 18% trong tổng lượng dầu nhập từ Trung Quốc, trong khi Saudi Arabia chiếm 17% và Iraq là gần 12%. Nga và Saudi Arabia liên tục rượt đuổi nhau ở vị trí là nhà cung cấp dầu mỏ số 1 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, tại Ấn Độ, theo hãng Kpler (Áo), Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất trong tháng thứ 10 liên tiếp, cung ứng tới 43% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 4-2023, bên cạnh 18% từ Iraq và 15% từ Saudi Arabia.

Asia Financial dẫn thông tin từ đánh giá sơ bộ của các công ty chuyên theo dõi hoạt động vận tải đường biển cho thấy, do chính sách ưu đãi giảm giá đáng kể của Moscow, trong tháng 5-2023, Trung Quốc và Ấn Độ nhập số lượng dầu thô cao kỷ lục từ Nga. Dữ liệu từ công ty Vortexa cho thấy trong tháng 5-2023 lượng dầu Nga chuyển tới Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục là 8,6 triệu tấn (62,8 triệu thùng dầu), trong khi Trung Quốc là 6 triệu tấn.

Ngày 13-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc về hợp tác cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc qua tuyến đường ống Viễn Đông, qua đó giúp thúc đẩy hợp tác năng lượng, lĩnh vực hợp tác chiến lược Nga - Trung Quốc. Theo đó, khi dự án này hoàn thiện, Nga sẽ chuyển 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc trong vòng 25 năm. “Tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất đi từ Nga sang Trung Quốc sẽ đạt tổng cộng 48 tỷ m3, gồm lượng phân phối qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia”, bà Ca Lujia, chuyên gia phân tích của BloombergNEF nói. Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 24-5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, dự báo thương mại giữa hai nước dự kiến đạt mốc kỷ lục 200 tỷ USD trong năm nay.

Trừng phạt không có tác dụng

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ chế áp giá trần của phương Tây đối với dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga đã không gây khó khăn cho Moscow và không hề khiến họ bị giảm lượng xuất khẩu những mặt hàng này. “Nga đã thay đổi điểm đến của dầu xuất khẩu mà không hề thay đổi thực tế nào về số lượng. Việc áp giá trần được phối hợp về mặt quốc tế (của một số nước phương Tây) với hàng hóa xuất khẩu của Nga (hiện tại áp mức 60 USD/thùng) cũng không thể hạn chế lượng hàng xuất khẩu”, WB cho biết.

Hãng Kpler cũng cho rằng, biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với dầu Nga không hiệu quả vì rốt cuộc thì những sản phẩm tinh chế từ dầu thô Nga vẫn đã tới các nước EU thông qua trung gian là... Ấn Độ. Các chuyên gia Kepler chỉ ra những số liệu cho thấy mức tăng đáng kể lượng xuất khẩu các sản phẩm sản xuất từ dầu mỏ của Ấn Độ (như xăng, dầu diesel...) tới EU trong tháng gần đây. Trung tâm nghiên cứu năng lượng Phần Lan cũng xác nhận, trong 12 tháng qua, các nước phương Tây nhập khẩu khoảng 42 tỷ euro các sản phẩm từ dầu Nga thông qua Ấn Độ.

Tất nhiên, phương Tây cũng thấy điều này và gửi thông điệp cảnh báo tới các nước đang giúp Nga “sống khỏe” giữa cả ngàn lệnh trừng phạt của họ. Ngay từ cuối năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Ấn Độ về việc không được vi phạm các chính sách bảo hiểm, tài chính và dịch vụ hàng hải liên quan cơ chế áp giá trần với dầu Nga mà G7 thống nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra vấn đề lớn khiến phương Tây khó xử trong việc này, đó là nếu họ kiên quyết ngăn chặn Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu Nga, giá dầu thế giới có thể bị đẩy lên rất cao, tới mức 200 USD/thùng, và đó là điều đương nhiên không quốc gia nào mong muốn.

90% dầu Nga đang xuất sang chỉ 3 nước
Theo SP Global, ở thời điểm này, khi lệnh cấm vận của EU và việc áp giá trần của G7 với dầu Nga đã có hiệu lực đầy đủ, lượng dầu thô xuất khẩu đường biển của Nga vẫn duy trì ổn định khi điểm đến chuyển sang phía đông nhiều hơn. Theo đó, những nước đang nhập khẩu dầu Nga nhiều nhất theo thứ tự từ cao xuống gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Bulgaria, Hy Lạp, Myanmar, Ai Cập, Singapore... Trong quý 1-2023, 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga được cung cấp cho 3 đối tác chính là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.