Nỗi lo vỡ nợ đang lớn dần

.

Dự luật trần nợ công vừa qua giúp Mỹ lách khe cửa hẹp tránh thảm kịch vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời giúp kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính với nhiều hệ lụy khó đoán định. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá thỏa thuận vẫn chưa đủ để làm thay đổi đường hướng tài khóa. Về lâu dài, Washington cần hướng tiếp cận mới giải quyết rốt ráo nguy cơ vỡ nợ. Gánh nặng nợ công giờ đây không chỉ làm đau đầu giới chức Mỹ mà còn là “cơn ác mộng” ở nhiều nước khác. 

Năm 2011, Chính phủ Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợ khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến “giờ chót”, và sau 12 năm, tình trạng này lặp lại càng cho thấy sự bất ổn vẫn treo lơ lửng. Trong khi đó, báo cáo ngày 17-5 của Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đã tăng 8.300 tỷ USD lên 304.900 tỷ USD trong quý 1-2023, phá kỷ lục được thiết lập vào cùng kỳ năm ngoái với 306.300 tỷ USD.

Báo cáo cũng nêu bật đòn bẩy trong hệ thống tài chính, chi phí nợ dịch vụ ngày càng tăng do lãi suất tăng và vấn đề thanh khoản do chính sách thắt chặt tiền tệ. Đó là nói đến trần nợ công ở cấp chính phủ còn thực ra tác động của suy thoái kinh tế do Covid-19, xung đột vũ trang, lệnh trừng phạt lẫn nhau vì mục tiêu địa chính trị đã khiến nhiều nền kinh tế rơi vào bất ổn và nguy cơ vỡ nợ.

Ngân hàng Deutsche (Đức) ngày 3-6 cảnh báo, chu kỳ bùng nổ và suy thoái kinh tế sẽ quay trở lại trong năm nay. Cùng với đó, làn sóng vỡ nợ sắp xảy ra ở các công ty, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Theo Deutsche, tình trạng các công ty vỡ nợ sẽ trở nên phổ biến hơn so với 20 năm qua và tỷ lệ vỡ nợ sẽ đạt mức cao nhất vào quý 4-2024.

Ở Mỹ, tỷ lệ vỡ nợ cao nhất sẽ đạt 9% đối với khoản nợ lãi suất cao và 11,3% đối với các khoản vay. Tỷ lệ vỡ nợ đối với khoản vay của Mỹ gần như cao nhất mọi thời đại. Trong khi đó, tỷ lệ này đạt mức kỷ lục 12% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và đạt 7,7% trong thời kỳ bong bóng Dot-com cuối thập niên 1990.

Tại châu Á, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc thuộc nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận hệ số khả năng thanh toán lãi vay (ICR) dưới 1 (mức báo hiệu nguy cơ vỡ nợ) trên mức 20%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ của chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước châu Á đã vượt xa mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

IMF cảnh báo, nếu ngân hàng trung ương của các nước giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài và thắt chặt điều kiện cho vay để “hãm phanh” lạm phát thì một số doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ do chi phí vay vốn tăng, đặc biệt ở các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng...

Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global cũng dự đoán, đến cuối năm 2023, 4% trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ của Mỹ sẽ vỡ nợ, cao hơn mức 1,7% cuối năm 2022 do tăng trưởng chậm lại, doanh thu thấp, áp lực chi phí và các điều kiện tài chính thắt chặt đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn.

Theo Công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade (Pháp), tình trạng vỡ nợ đang tăng tốc năm nay trên quy mô toàn cầu sau khi giảm mạnh trong thời điểm Covid-19. Allianz Trade dự đoán, các trường hợp vỡ nợ doanh nghiệp sẽ tăng đến 19% cuối năm 2023, sau khi đã tăng 10% vào năm 2022. Hai lần tăng đáng kể này sẽ đưa tình trạng vỡ nợ trở về mức trước Covid-19 vào đầu năm tới. Châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng nặng, trong đó đứng đầu là Pháp.

Những diễn biến trên cho thấy kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức do nảy sinh hàng loạt các vấn đề từ suy thoái kinh tế đến chi phí nợ dịch vụ ngày càng tăng do lãi suất tăng và các vấn đề thanh khoản do chính sách thắt chặt tiền tệ…

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.