Tăng trưởng của châu Á sẽ sớm vượt châu Âu, Mỹ

.

Tới cuối năm nay, tăng trưởng kinh tế ở châu Á sẽ vượt châu Âu và Mỹ do mức lạm phát của châu Á đã chạm đỉnh thời gian qua và châu lục này sẽ không còn bị ảnh hưởng nặng nề, liên tục vì các cú sốc lãi suất giống như các nước ở phương Tây.

Một góc đô thị của Trung Quốc. Ảnh: Global Times
Một góc đô thị của Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Đây là nhận định tích cực mà Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đưa ra trong báo cáo ngày 14-6. “Đến quý 4-2023, tăng trưởng châu Á sẽ cao hơn Mỹ và châu Âu khoảng 450 điểm cơ bản”, ông Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, nhận định tại hội thảo ngày 13-6, nhiều giờ trước khi Mỹ công bố tạm dừng tăng lãi suất.

Vì sao lạc quan?

Ông Chetan Ahya nhấn mạnh, châu Á dự kiến có tỷ lệ tăng trưởng lành mạnh hơn trong khi phương Tây sẽ chững lại phía sau. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế trên diện rộng của Trung Quốc sẽ được ghi nhận trong nửa sau năm nay, chưa kể ba nền kinh tế lớn khác của châu Á là Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản đang cho thấy mức tăng mạnh mẽ trở lại của nhu cầu tiêu dùng trong nước. CNBC dẫn nhận định của ông Ahya khi nói về tình hình kinh tế ở Mỹ và châu Âu: “Nhất định chúng ta sẽ thấy tăng trưởng ở hai khu vực kinh tế này bị kiềm chế bởi thực tế họ đang gặp phải vấn đề lạm phát nghiêm trọng”. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang phải dùng chính sách lãi suất làm công cụ để kiểm soát lạm phát. “Châu Á vẫn chưa bị cú sốc về lãi suất như Mỹ và châu Âu”, ông Ahya nói, đồng thời cho biết lạm phát ở châu Á luôn duy trì ở mức chỉ bằng một nửa so với hai khu vực vừa nêu. Chuyên gia này cũng cho rằng, lạm phát ở châu Á đã chạm đỉnh.

Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm 2% của Cục dự trữ liên bang (FED). Lạm phát đã giảm một chút còn 4% vào tháng 5-2023, cũng là mức thấp nhất trong 2 năm, sau khi đạt đỉnh ở 9,1% vào tháng 6-2022. Cũng như ở châu Âu, lạm phát tại khối đồng tiền chung euro (eurozone) giảm còn 6,1% trong tháng 5-2023, mức thấp nhất tại khu vực này kể từ tháng 2-2022. Ngân hàng trung ương châu Âu đã nâng mức lãi suất tiêu chuẩn từ -0,5% của một năm trước lên mức 3,25% trong tháng 5-2023, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11-2008 (giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Châu Á sẽ sớm ổn định

“Cho tới tháng 9 hoặc tháng 10-2023, khoảng 80% trong số các nước ở châu Á sẽ chứng kiến mức lạm phát quay trở lại vùng an toàn của các ngân hàng trung ương”, ông Chetan Ahya nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở châu Á. Đến nay, nhiều ngân hàng trung ương tại châu Á đã dừng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong đó có Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, khi nhắc tới triển vọng tăng trưởng tích cực ở châu Á, không thể không nói tới “cỗ máy cái”, động lực đáng kể nhất, là sự tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay của Trung Quốc. Morgan Stanley dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt tăng trưởng 5,7% trong năm nay, cao gần gấp đôi so với 3% của năm ngoái nếu không có những biến cố bất ngờ. “Chúng tôi tin là mức độ phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc đang ổn định, giúp mang lại tác động lan tỏa tích cực tới những khu vực khác trong châu lục”, chuyên gia của Morgan Stanley nói.

Chỉ số lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5-2023 đã nhích lên 0,2% so với năm ngoái, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,6%. Với điều kiện này, giới chuyên gia cho rằng, trong vòng 3 tháng tới nữa hoặc hơn, thị trường Trung Quốc sẽ ghi nhận mức chi tiêu tốt hơn. Triển vọng lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc còn ở nhận định chính phủ nước này sẽ sớm công bố thêm giải pháp kích thích sức mua bất động sản.

Bên cạnh Trung Quốc, góp phần vào bức tranh tích cực hơn cho tăng trưởng ở châu Á còn có sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng ở các nước như Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Trong 5 năm qua, Ấn Độ triển khai cải tổ cấu trúc kinh tế, thúc đẩy khoản đầu tư ở khối tư nhân tăng cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo, tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay là 5,9% trong khi Morgan Stanley cho rằng, tỷ lệ này có thể cao hơn, ở mức 6,5%.

FED tạm dừng tăng lãi suất
Ngày 14-6, FED thông báo tạm dừng tăng lãi suất sau khi ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong công cuộc kiểm soát lạm phát. Cơ quan này cũng dự báo cắt giảm 1% lãi suất vào năm 2024 nếu lạm phát giảm nhanh hơn. Quyết định này chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra từ tháng 3-2022 nhằm kiềm chế lạm phát và giúp giữ nguyên lãi suất tiêu chuẩn của Mỹ trong phạm vi từ 5% - 5,25%.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.