Kể từ chuyến hải trình thảm khốc cách đây hơn một thế kỷ, tàu Titanic vẫn tạo sức hút khó lay chuyển đối với trí tưởng tượng của con người xung quanh sự kỳ bí về nó. Giờ đây, tai nạn tàu lặn Titan trong chuyến thám hiểm xác tàu “xấu số” này lại khiến dư luận ngạc nhiên trước những điểm đương đồng đến khó tin giữa hai thảm họa hàng hải này. Và điều này không chỉ dừng lại ở hai cái tên na ná nhau: “Titan” và “Titanic”…
Theo Bloomberg, ngày 22-6, ông James Cameron, đạo diễn phim bom tấn “Titanic” đoạt giải Oscar công chiếu năm 1997 và cũng là chuyên gia về tàu lặn, thừa nhận, kịch bản tàu ngầm Titan thăm quan xác tàu Titanic phát nổ từng thoáng xuất hiện trong trí tưởng tượng của ông. Theo đạo diễn gạo cội này, chuyến hải trình của hai tàu Titan và Titanic đều được cảnh báo trước về sự nguy hiểm. Không chỉ riêng ông, nhiều người đam mê lặn biển cũng từng tỏ ra hoài nghi về mức độ an toàn của Titan, thậm chí viết thư cho công ty OceanGate (Mỹ), chủ sở hữu tàu, để chỉ trích chuyến thám hiểm quá mạo hiểm mà công ty tổ chức.
“Tôi ngỡ ngàng bởi sự tương đồng của Titan với thảm họa Titanic. Trong tai nạn cách đây hơn 100 năm, thuyền trưởng tàu Titanic liên tục được cảnh báo về tảng băng phía trước nhưng vẫn cố tình lao hết tốc lực vào nó trong đêm không trăng và kết cục buồn là rất nhiều người thiệt mạng. Thảm kịch tương tự với tàu lặn Titan lại xảy ra tại cùng địa điểm khi các cảnh báo bị phớt lờ. Giờ đây, tại cùng một nơi, có một xác tàu nằm cạnh xác tàu kia chỉ vì cùng một lý do không ngờ. Thật không thể nào tưởng tượng nổi”, ông Cameron cho biết.
Theo CNN, năm 2012, chính ông Cameron thiết kế và lái tàu lặn Challenger Deep thử nghiệm ở Thái Bình Dương nhưng ông khẳng định sẽ không bao giờ thiết kế phương tiện chở khách thám hiểm đại dương mà không được cấp phép. Thay vào đó, Challenger Deep chỉ mang tính chất thử nghiệm và thực hiện sứ mệnh phục vụ nghiên cứu khoa học.
Ông Cameron ước quay ngược lại thời gian để gióng hồi chuông cảnh báo sớm hơn về việc ông đã nhận ra những bất cập về thiết kế thân tàu Titan. Dù nguyên nhân vụ nổ của Titan vẫn chưa được xác minh nhưng ông Cameron cho rằng các nhà phê bình đã đúng khi cảnh báo rằng thân tàu bằng sợi carbon và titan sẽ tạo điều kiện cho sự phân tách và xâm nhập cực nhỏ của nước, dẫn đến hỏng dần theo thời gian. Hồi năm 2018, các chuyên gia khác chỉ trích OceanGate vì đã từ chối tìm kiếm chứng nhận an toàn cho Titan.
Sau chia sẻ của ông Cameron, truyền thông quốc tế tiếp tục “đào sâu” những tình tiết trùng hợp ly kỳ trong vụ tàu lặn Titan và vụ đắm tàu Titanic năm xưa. Nhìn lại vụ chìm tàu Titanic, có thể thấy hai cái tên “Titan” và “Titanic” có nhiều mối liên kết đặc biệt. Trước khi tàu thám hiểm Titan mất tích, Titanic đã gặp tai nạn thảm khốc. Và trước khi Titanic gặp nạn, chiếc tàu tên Titan trong một cuốn tiểu thuyết đã tiên đoán về hành trình của Titanic. Theo As.com, năm 1898, chỉ 14 năm trước thảm họa Titanic (1912), nhà văn Morgan Robertson viết cuốn tiểu thuyết “Futility, or the Wreck of the Titan” (tạm dịch: Sự phù phiếm hay Xác tàu Titan). Lúc đó, tác giả đặt tên tàu là “Titan” và dựng lên tai nạn có hàng loạt điểm trùng khớp với vụ chìm tàu Titanic diễn ra sau đó. Đáng chú ý, từ nguyên nhân thảm kịch, vị trí gặp nạn cho đến kích thước tàu, tốc độ, số lượng hành khách của “Titan” trong tiểu thuyết và Titanic ở đời thực đều khá tương đồng. Trong khi đó, theo AP, cũng thật tình cờ khi vợ của người điều khiển chiếc tàu lặn mất tích lúc thám hiểm xác tàu Titanic lại chính là hậu duệ của cặp vợ chồng từng thiệt mạng trong vụ đắm tàu Titanic năm 1912.
Thảm họa Titanic tiếp tục là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì sau này. Tương tự, vụ nổ tàu Titan cũng làm dấy lên câu hỏi chưa lời giải: Ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý về thảm họa này?; đồng thời thúc giục cần quy tắc rõ ràng để bảo đảm an toàn cho những chuyến thám hiểm dưới lòng đại dương mà không ít người sẵn sàng đánh cược mạng sống để trải nghiệm cảm giác có một không hai và tự trấn an bản thân vì đã sống cuộc đời không hoài phí.
THƯ LÊ