Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đang triển khai các cuộc thảo luận chuyên sâu vốn được xem là khúc dạo đầu quan trọng cho hội nghị thượng đỉnh tháng 8-2023 tại Nam Phi, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của nhóm từ năm 2019 để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng, trong đó có kế hoạch mở rộng khối.
Đại diện cấp cao các quốc gia thuộc BRICS về vấn đề an ninh tại Johannesburg (Nam Phi) ngày 24-7. Ảnh: Xinhua |
Kể từ khi thành lập, BRICS đã trở thành nhóm đại diện cho nguyện vọng của các quốc gia đang phát triển nhằm thách thức quyền bá chủ kinh tế của tập thể phương Tây. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới phần nào hé lộ kế hoạch giúp BRICS đạt được mục tiêu này.
Những sáng kiến mới
Tại cuộc họp đại diện cấp cao các nước thuộc BRICS về an ninh gần đây tại Johannesburg (Nam Phi), ông Vương Nghị, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngày 25-7, kêu gọi xây dựng không gian mạng mở và toàn diện trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng trở thành thách thức chung đối với các nước đang phát triển. China Daily dẫn lời ông Vương Nghị cho rằng, không gian mạng vốn có thể là “bối cảnh đa dạng lớn”, thay vì “chiến trường mới” đằng sau bức màn sắt kỹ thuật số. Điều cần thiết là hợp tác phát triển và an ninh, bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, đồng thời tận dụng tối đa khả năng kỹ thuật số, khắc phục khoảng cách phát triển kỹ thuật số, bảo đảm tính mở, an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu trong công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong không gian mạng.
Một đề xuất đáng chú ý khác là việc Nga kêu gọi đối tác trong BRICS lắp khoang module trên Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS) tương lai của nước này. Theo TASS, ngày 24-7, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga đưa ra gợi ý này; đồng thời cho biết, module đầu tiên dự kiến được phóng lên vào năm 2027 và sẽ hoàn tất vào năm 2032. Khi đó, Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), một trong những công trình hợp tác cuối cùng giữa Nga và Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh, có thể sẽ ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nga tại Ai Cập Georgy Borisenko cho biết: “Một trong những sáng kiến mà BRICS đang thảo luận là tiến hành giao dịch thương mại bằng các loại tiền tệ thay thế, cho dù là đồng tiền quốc gia hay thiết lập một số loại tiền tệ chung”. Thực tế, BRICS đang tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền chung để không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối mà còn loại bỏ chi phí chuyển đổi USD cao trong giao dịch quốc tế. Tuy nhiên tham vọng này khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu BRICS có đáp ứng các tiêu chí cần thiết để xây dựng loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không? Theo India Times, dù các quốc gia khác trong BRICS dường như ủng hộ phát hành tiền tệ chung nhưng Ấn Độ là nước duy nhất tỏ ra phớt lờ kế hoạch này và tuyên tố tiếp tục củng cố đồng Rupee của mình.
Vì sao càng nhiều nước muốn gia nhập BRICS?
Việc mở rộng khối đến mức nào là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị trong thời cơ chín muồi khi BRICS tạo sức hút rất lớn đối với nhiều nước đang phát triển ở Nam bán cầu. Nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Phi, coi đây là tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn dắt.
Nam Phi, quốc gia chủ tịch BRICS năm nay, cho biết, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm việc gia nhập BRICS vì những mục đích khác nhau như về tài chính, mở rộng ảnh hưởng và cả yếu tố liên quan Trung Quốc. Algeria, Argentina, Bangladesh, Belarus, Ai Cập, Ethiopia và Iran hiện là ứng cử viên chính thức của BRICS. Ngoài ra, gần 30 nước khác ở khắp châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, từ Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, Indonesia, Mexico, Venezuela và Saudi Arabia, đăng ký hoặc bày tỏ quan tâm gia nhập.
BRICS nhấn mạnh, sự cởi mở, chủ nghĩa thực tế chính là nền tảng hợp tác giữa các thành viên dựa trên mục tiêu cốt lõi là thay đổi trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực. Điều này tình cờ cho phép các nước có thể vốn là đối thủ tiềm năng của nhau, chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn hợp tác hài hòa trong khối bất chấp khác biệt giữa đôi bên. “Cả Nga và các đối tác trong BRICS không đặt nhiệm vụ trở thành cơ cấu thay thế cho bất kỳ tổ chức hoặc khối quốc tế nào. Chúng tôi coi BRICS và SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) là những nền tảng đối trọng cho thế giới đơn cực, nơi chỉ tính đến lợi ích của một khu vực”, bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, khẳng định. Điểm mạnh khác của BRICS chính là nỗ lực thiết lập các lộ trình và thể chế hợp tác để bảo đảm khả năng chịu áp lực của các thành viên khi bên thứ ba gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.
BRICS tăng đối trọng với G7 Các thành viên của BRICS có tổng GDP hơn 26.000 tỷ USD, chiếm 41% dân số và 26,7% diện tích đất của thế giới (39,7 triệu km2). Kể từ khi thành lập vào năm 2009, các quốc gia BRICS đã chứng minh những bước phát triển đáng kể. BRICS vượt Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) về GDP năm 2022 và sức mua tương đương (PPP) năm 2018. Đến năm 2030, các nước BRICS dự kiến chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, xác lập vị thế khối kinh tế mạnh nhất thế giới. |
THƯ LÊ