Đàm phán giảm nợ cho các nước nghèo vẫn bế tắc

.

Ngày 17-7, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) họp tại Gujarat (Ấn Độ) nhưng không đạt tiến triển nào trong thảo luận tái cấu trúc khoản nợ của các nước đang phát triển trong bối cảnh nợ công toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 92.000 tỷ USD năm 2022, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000.

Theo AP, cuộc họp nhằm thảo luận Khuôn khổ chung - sáng kiến G20 đưa ra năm 2020 giúp giãn nợ cho các nước nghèo, tái cơ cấu nợ, cũng như thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu đang trì trệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt giữa các nước là chủ nợ lớn. Tuần trước, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo 52 quốc gia không có cách nào giảm bớt gánh nặng nợ nần và đang tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Ít nhất 19 quốc gia đang phát triển chi nhiều tiền để trả lãi suất hơn là cho giáo dục.

Ở 45 nước khác, số tiền này nhiều hơn tiền chi cho chăm sóc sức khỏe. Gần 40% các nước đang phát triển gặp rắc rối nghiêm trọng về nợ nần. Việc tái cấu trúc khoản nợ này khó khăn vì 62% trong số đó hiện do các chủ nợ tư nhân nắm giữ. Tình trạng gia tăng nợ công này là do Covid-19, lạm phát và lãi suất gia tăng. Ước tính, hơn 20% dân số thế giới, tức khoảng 1,65 tỷ người đang gặp khó khăn trong kiếm ăn hằng ngày và sống với mức dưới 3,65 USD một ngày.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.