Di cư: Thách thức chính trị hàng đầu của châu Âu

.

Vốn là bài toán khó đeo đẳng châu Âu suốt nhiều năm, cuộc khủng hoảng di cư đang “nóng” trở lại, đặc biệt là sau sự sụp đổ của Chính phủ Hà Lan khi không thể tìm tiếng nói chung về hạn chế nhập cư. Vụ việc gây chấn động khắp châu Âu khi được xem là lời cảnh báo mới nhất về vấn đề kiểm soát biên giới và di cư nhanh chóng trở thành thách thức chính trị hàng đầu của “lục địa già”.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (giữa) sẽ đứng đầu chính phủ tạm quyền cho đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11-2023. Ảnh: EPA-EF
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (giữa) sẽ đứng đầu chính phủ tạm quyền cho đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11-2023. Ảnh: EPA-EF

Dù thảo luận về nhập cư hiện chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của tất cả hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) nhưng đến nay không có sự đồng thuận nào để giải quyết rốt ráo vấn đề này và bi kịch thương tâm về các vụ đắm thuyền chở số lượng lớn người di cư đến “miền đất hứa” này vẫn tái diễn.

Bất đồng về di cư “châm ngòi” rạn nứt chính trị

Theo New York Times, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hà Lan bắt nguồn từ việc Thủ tướng theo đường lối bảo thủ Mark Rutte và toàn bộ nội các từ chức sau khi các đối tác trong liên minh trung dung của ông từ chối ủng hộ chính sách cứng rắn của ông đối với người di cư cuối tuần trước. Điều gì xảy ra tiếp theo trên chính trường Hà Lan vẫn chưa rõ ràng và ông Rutte vẫn có thể thành lập chính phủ liên minh mới. Hiện, ông Rutte và các thành viên trong nội các sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước với tư cách chính phủ tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2023.

Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ tư do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu năm 2010. Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1-2022, sau thời gian đàm phán kỷ lục là 271 ngày và vẫn chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề. Các đảng bất đồng về kế hoạch của ông Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn, biện pháp vốn nhằm hạn chế số người di cư sau vụ bê bối hồi năm ngoái liên quan đến các trung tâm tị nạn quá tải khiến một em nhỏ thiệt mạng và hàng trăm người phải ngủ ngoài trời. Tuy nhiên, hai đảng trong liên minh chỉ trích đề xuất của ông Rutte “đi quá xa”, dẫn đến bế tắc và khiến Chính phủ Hà Lan sụp đổ. Cử tri Hà Lan sẽ phải đối mặt với một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Sự trỗi dậy của tư tưởng chống di cư

Theo Strait Times, các nhà phân tích cho rằng, di cư, vấn đề “sống còn” về chính trị hiện nay của Hà Lan, đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ông Rutte, vị lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Hà Lan (13 năm) và là một trong những chính khách kỳ cựu nhất của châu Âu. Nói rộng hơn, việc ông Rutte sẵn sàng “giải thể” nội các thay vì thỏa hiệp là chỉ dấu về giai đoạn đáng lo mới của làn sóng di cư khiến những rạn nứt và bất đồng chính trị trong nội bộ của các nền dân chủ châu Âu ngày càng sâu sắc, qua đó làm lung lay sức mạnh của các liên minh cầm quyền.

Những gì đang diễn ra ở Hà Lan khiến chính phủ các nước khác ở châu Âu bắt đầu lo ngại. Thực tế, kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria vào năm 2015, Ý, Đức và Pháp, cũng như các quốc gia nhỏ hơn của EU, đã chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và cực hữu mang nặng tư tưởng chống tình trạng mà họ cho là “nhập cư hỗn loạn”. Chẳng hạn, lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen trở thành đối thủ nặng ký của Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban với đường lối cứng rắn về di cư để bảo vệ bản sắc dân tộc đang được cử tri ủng hộ cao.

Đáng chú ý, bên cạnh sóng gió trên chính trường Hà Lan, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc - dân túy khắp châu Âu đang tận dụng cơ hội để kêu gọi siết chặt chính sách nhập cư vốn bị xem là một trong những nguyên nhân gây ra bạo loạn gần đây ở Pháp. Hiện, giới chức EU đang kỳ vọng thỏa thuận tái phân bổ người di cư ở tất cả nước thành viên. Theo thỏa thuận, các nước không sẵn sàng tiếp nhận người xin tị nạn phải đóng khoản hỗ trợ lên tới 21.571 USD/người vào quỹ do EU quản lý để hỗ trợ người di cư.

300 người di cư mất tích trên đường đến Tây Ban Nha
Ngày 9-7, nhóm hỗ trợ người di cư “Walking Borders” cho biết, ít nhất 300 người đi trên 3 chiếc thuyền chở người di cư từ Senegal đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã mất tích. Hai chiếc thuyền chở tổng cộng khoảng 120 người đã mất tích 15 ngày kể từ khi rời Senegal để tới Tây Ban Nha. Trong khi đó, chiếc thuyền thứ ba chở khoảng 200 người rời Senegal ngày 27-6. Gia đình của những người di cư mất tích không nhận được thông tin từ họ kể từ lúc rời khỏi Senegal. Tuyến đường di cư trên Đại Tây Dương, một trong những tuyến đường chết chóc nhất thế giới, thường được người di cư từ khu vực châu Phi Hạ Sahara sử dụng. Năm 2022, ít nhất 559 người thiệt mạng trên đường tới quần đảo Canary.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.