Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho biết, dòng hải lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể biến mất vào khoảng giữa thế kỷ này, hoặc thậm chí sớm nhất là vào năm 2025, dẫn đến khí hậu trái đất rơi vào hỗn loạn, những cơn bão sẽ “sinh sôi nảy nở” khắp thế giới.
AMOC là dòng chảy chi phối khí hậu trái đất bằng cách đưa các vùng nước nhiệt đới, ấm áp lên phía bắc và vùng nước lạnh về phía nam. Đây là hệ thống hải lưu quan trọng giúp điều chỉnh khí hậu của Bắc bán cầu. Nghiên cứu trước đây dự đoán, AMOC có thể chuyển sang chế độ yếu hơn vào thời điểm nào đó trong thế kỷ tới. Đáng chú ý, G.S Susanne Ditlevsen của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tác giả chính của nghiên cứu, cảnh báo: “Sự sụp đổ của AMOC có thể sẽ xảy ra sớm hơn nhiều so với dự kiến, do con người đang phát thải khí nhà kính ở mức báo động”.
Theo giới nghiên cứu, AMOC có thể sụp đổ hoàn toàn từ năm 2025 đến năm 2095. Sự sụp đổ của nó sẽ có tác động to lớn, gồm mùa đông khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến các khu vực ở châu Âu và Mỹ, cùng với sự thay đổi của gió mùa ở vùng nhiệt đới. Điều này sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh, hệ sinh thái đại dương sụp đổ và bão phát triển khắp thế giới.
NGHI VĂN