Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị thay ông Tần Cương để giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, vị trí mà ông từng đảm nhận nhiều năm. Việc này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ gặp lại “gương mặt quen thuộc” trong nỗ lực ổn định quan hệ với đối thủ cạnh tranh chiến lược chính này.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị trở thành tân Bộ trưởng Ngoại giao. Ảnh: Tân Hoa xã |
Thông báo miễn nhiệm ông Tần Cương không nêu lý do cụ thể. Tuy nhiên, quan chức này vẫn là ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel 25-7 nhấn mạnh, việc duy trì quan hệ cấp cao với Trung Quốc là rất quan trọng. Chính sách cơ bản của Washington sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Patel nêu rõ, Washington tin tưởng, nỗ lực duy trì ổn định các đường dây liên lạc mở là vô cùng quan trọng trong thời điểm hai nước đang có những động thái tích cực hàn gắn quan hệ song phương, đặc biệt với những chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ.
Ông Vương Nghị (70 tuổi), là nhà ngoại giao đã quá quen thuộc với giới lãnh đạo quốc tế. Ông giữ ghế Bộ trưởng Ngoại giao trong gần một thập niên kể từ năm 2013, trước khi vào Bộ Chính trị Trung Quốc. Truyền thông quốc tế nhận định, ông Vương Nghị là “nhân tố cố định” trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc nhiều năm qua. Ông “nổi tiếng” ở Washington với trí thông minh, sắc bén và đôi khi tích cực bảo vệ quan điểm của Trung Quốc.
Tân Hoa xã ngày 26-7 dẫn lời ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương, duy trì hệ thống đa phương với Liên Hợp Quốc làm cốt lõi và chống lại chủ nghĩa đơn phương và thực tiễn bá quyền. Ông nhấn mạnh, cần nỗ lực giải quyết tranh chấp và khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời phản đối hành vi “tách rời” và “tiêu chuẩn kép”, cũng như bảo đảm an ninh chung, đề cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, phản đối tư duy có tổng bằng không và tâm lý Chiến tranh lạnh. Trung Quốc là thành viên của các nước Nam bán cầu, là thành viên trong đại gia đình các nước đang phát triển, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước thị trường mới nổi và các nước phát triển thúc đẩy các sáng kiến phát triển, an ninh và văn minh toàn cầu, đồng thời cùng xây dựng cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại.
Theo giới quan sát, việc tái bổ nhiệm ông Vương Nghị có thể cho thấy Trung Quốc muốn ổn định quan hệ với Mỹ bởi ông được kỳ vọng thúc đẩy cuộc gặp rất được mong chờ giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối năm nay bên lề các sự kiện toàn cầu, trong đó có các hội nghị thượng đỉnh của G20 ở Ấn Độ tháng 9-2023 và APEC ở California tháng 11-2023.
Ông Rorry Daniels, Giám đốc điều hành Viện Chính sách xã hội châu Á, bình luận: “Với hàng loạt hội nghị quốc tế lớn đang đến gần, ông Tập Cận Bình có thể muốn bổ nhiệm một người đã có quan hệ với nhiều đối tác nước ngoài. Ở giai đoạn này, Trung Quốc muốn sự ổn định và dễ đoán”.
Việc miễn nhiệm với ông Tần Cương dù có phần đột ngột song cũng không được cho là sự kiện gây bất ngờ lớn hay có tác động đáng kể nào đối với các chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Reuters nhận định, trước những thách thức hiện nay trong quan hệ song phương, vai trò của ông Vương Nghị trong đảng Cộng sản Trung Quốc có thể hữu ích với Mỹ.
Trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, nhà ngoại giao cấp cao nhất không phải Bộ trưởng Ngoại giao mà là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chức vụ mà ông Vương Nghị tiếp tục đảm nhiệm sau khi được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Theo ông Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, điều này giúp Mỹ giảm bớt một cấp làm việc với Trung Quốc.
Hơn nữa, với tư cách thành viên Bộ Chính trị, ông Vương Nghị được cho là có nhiều ảnh hưởng hơn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc so với người tiền nhiệm. Thực tế, truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập tới bất cứ thay đổi nào về chức vụ trong Đảng của ông Vương Nghị, nên có thể hiểu ông sẽ vừa đảm nhiệm chức trách ở Bộ Chính trị, vừa kiêm nhiệm công việc tại Bộ ngoại giao. Việc kiêm nhiệm đồng thời như vậy ở Trung Quốc nếu kể từ sau thập niên 1990 chỉ xảy ra trong giai đoạn chuyển giao giữa các giai đoạn lãnh đạo khác nhau.
Ông Vương Nghị bắt đầu công tác trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1982. Nhà ngoại giao kỳ cựu này là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 2004 đến 2007. Tháng 3-2013, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn và bầu kiêm nhiệm chức danh Ủy viên Quốc vụ viện. |
TRẦN ĐẮC LUÂN - TẤN PHÁT