Hội nghị NATO và nguy cơ tái diễn Chiến tranh lạnh

.

Ukraine không là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có thể sẽ không sớm gia nhập khối này nhưng vấn đề Kiev trở thành tâm điểm chương trình nghị sự của NATO trong hai ngày 11 và 12-7 tại thủ đô Vilnius (Lithuania).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên phải) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden, cạnh đó là Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12-7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania). Ảnh: Getty Images
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên phải) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden, cạnh đó là Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12-7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania). Ảnh: Getty Images

Trước hội nghị, NATO muốn thể hiện tinh thần thống nhất trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đang ở giai đoạn khá nhạy cảm. Hội nghị là cơ hội để NATO tái cam kết với Ukraine nhưng cũng là dịp để khối này cùng nhìn lại, vạch ra lộ trình cho tương lai chính trị cũng như quân sự của khối trong bối cảnh châu Âu và thế giới nói chung, có nhiều biến động.

Tiếp tục trấn an Ukraine

Phát biểu kết luận hội nghị ngày 12-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như muốn chuẩn bị tâm thế cho người dân Mỹ và các nước NATO về xung đột ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm nữa. Theo giới quan sát, ông Biden đã giành một số thắng lợi quan trọng. Trước hết là việc ông Biden thuyết phục thành công Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO. Cùng với đó, các nước NATO cũng cam kết tăng chi tiêu quân sự, vấn đề từ lâu Mỹ luôn phàn nàn là chưa đủ.

Dù vậy, ông Biden bày tỏ rõ việc không thể chấp thuận Ukraine gia nhập NATO trong lúc xung đột vẫn diễn ra. Ông Biden lý giải, theo chính sách phòng thủ chung của NATO, việc chấp nhận Ukraine gia nhập khối cũng sẽ đặt Mỹ vào xung đột trực tiếp với Nga. Ngày 12-7, NATO thông báo, một ngày nào đó Ukraine sẽ được mời tham gia liên minh quân sự nhưng không nói đó là khi nào và trong điều kiện cụ thể nào. Trong lịch sử, NATO chưa có tiền lệ kết nạp một quốc gia đang có chiến sự, bản thân Ukraine được chấp nhận là một ứng cử viên đã là sự chiếu cố rất lớn.

Để xoa dịu phản ứng giận dữ của Tổng thống Ukraine, các đồng minh của Kiev cam kết cung cấp thêm viện trợ và tổ chức cuộc họp ra mắt tổ chức mới có tên “Hội đồng NATO-Ukraine” ngày 12-7. Ông Zelensky xem đây là thông tin tốt cho Ukraine và ông đã dự họp lần đầu tiên với tư cách đối tác chính thức của NATO. Các nước NATO cũng cam kết hỗ trợ thêm hàng trăm triệu USD viện trợ mới cho Ukraine, chỉ vài ngày sau khi ông Biden chấp thuận gửi bom chùm, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đã bị cấm tại hơn 120 nước, cho Ukraine.

Phản ứng cứng rắn từ Nga

Trong thông cáo ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, hội nghị mới nhất của NATO cho thấy liên minh quân sự phương Tây đang trở lại với “những mưu đồ Chiến tranh lạnh” và Điện Kremlin sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa bằng việc sử dụng mọi phương tiện.  “Các kết quả từ hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ được phân tích cẩn trọng. Trên cơ sở những thách thức và đe dọa với an ninh và các lợi ích của Nga được xác định, chúng tôi sẽ phản ứng theo cách thức phù hợp và đúng thời điểm, sử dụng mọi phương tiện và cách thức chúng tôi có”, Reuters trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga.

Moscow cho rằng, hội nghị thượng đỉnh này cho thấy NATO đã “không thể thích ứng với tình hình địa chính trị mới trên thế giới”. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc NATO liên tục hạ thấp ngưỡng tiêu chuẩn để sử dụng vũ lực, leo thang căng thẳng chính trị và quân sự. Moscow chỉ ra động thái leo thang của NATO khi đưa ra loạt cam kết mới về cung cấp cho Kiev ngày càng nhiều hơn các loại vũ khí tầm xa, hiện đại với ý định kéo dài xung đột. “Bên cạnh những quyết định đã đưa ra, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố các tổ chức quân sự và hệ thống quốc phòng của đất nước”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn Lenta.ru ngày 12-7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của Nga. Khi được hỏi liệu các sáng kiến ​​hòa bình do Trung Quốc, Indonesia, Vatican và châu Phi đề xuất có được đưa ra quá sớm không, ông Lavrov nói rõ: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới các đối tác của chúng tôi vì nỗ lực tìm giải pháp hòa bình để thoát khỏi khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi không coi các sáng kiến ​​của họ được đưa ra không đúng thời điểm bởi vì hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của phía Nga”.

Pháp phản đối việc NATO mở văn phòng ở Nhật Bản
Ngày 12-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục bày tỏ lập trường phản đối đối với kế hoạch mở văn phòng ở Nhật Bản của NATO. Theo ông Macron, NATO cần tập trung vào khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Ông giải thích: “Dù người ta nói gì, địa lý là không thể di chuyển... Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là Bắc Đại Tây Dương, vì vậy chúng ta không nên tạo ấn tượng rằng NATO bằng cách nào đó đang xây dựng tính hợp pháp và sự hiện diện được thiết lập về mặt địa lý ở các khu vực khác”. Văn phòng này cho phép liên minh quân sự này tăng cường hợp tác với không chỉ Nhật Bản mà cả các cường quốc khu vực khác như Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Theo Nikkei, do không đạt được đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Như vậy, khả năng NATO lập văn phòng đại diện ở Nhật Bản sẽ còn phải chờ đợi thêm.T.L

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.