Kinh tế châu Á đang tăng trưởng tốt hơn

.

Dựa trên dự đoán tiêu dùng và đầu tư sẽ bù đắp cho sự yếu đi của xuất khẩu và nhu cầu toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, từ nay đến hết năm 2023, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng ổn định và sẽ phát triển nhanh hơn so với năm ngoái.

GDP Ấn Độ dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và 2024.  TRONG ẢNH: Một xưởng lắp ráp điện thoại di động ở Ấn Độ. Ảnh: Business Today
GDP Ấn Độ dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và 2024. TRONG ẢNH: Một xưởng lắp ráp điện thoại di động ở Ấn Độ. Ảnh: Business Today

Trong báo cáo đánh giá về xu thế phát triển kinh tế của châu Á công bố ngày 19-7, ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của “khu vực châu Á mới nổi” (Developing Asia - khái niệm chỉ 46 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nhưng không có Nhật Bản, Úc và New Zealand) dự kiến đạt 4,8% trong năm nay.

Tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa

Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh là cơ sở để ADB đưa ra dự báo tích cực hơn cho châu Á. Tổng tăng trưởng GDP của 10 nền kinh tế lớn nhất khu vực tăng nhanh từ mức 2,1% trong nửa sau năm 2022 lên 3,7% trong quý 1-2023 nhờ vào sự phục hồi của khối dịch vụ khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “zero-Covid”. Dù vậy, sự sụt giảm và yếu đi của tăng trưởng kinh tế ở bên ngoài khu vực cũng đang đè nặng lên thương mại và sản xuất. “Xuất khẩu và hoạt động công nghiệp ở châu Á đang tiếp tục giảm tốc khi nhu cầu toàn cầu giảm”, báo cáo nêu, lưu ý hoạt động này ở các nền kinh tế lớn “yếu đi khi chính sách siết chặt tiền tệ phát huy tác dụng”.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) vốn đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất cũng cho thấy bức tranh đa chiều. Trong khi các nước thiên về xuất khẩu như Singapore và Hàn Quốc ghi nhận mức giảm PMI thì các nước như Ấn Độ và Thái Lan lại có chỉ số cao. Du lịch sẽ tiếp tục hồi phục với lượng khách đến đã đạt bằng với các mức trước Covid-19 tại nhiều nền kinh tế.

Riêng với Trung Quốc, ADB nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 5% năm nay, trùng khớp với mục tiêu đã đề ra trước đó của Bắc Kinh, và sẽ đạt khoảng 4,5% năm 2024. Dù chỉ ra những điểm yếu trong các chỉ số như doanh số bán lẻ và xuất khẩu giảm song ADB vẫn cho rằng với các chính sách tài chính và tiền tệ, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ tốt cho sự hồi phục kinh tế của nước này. Với Ấn Độ, ADB còn lạc quan hơn khi cho rằng quốc gia này sẽ tăng trưởng 6,4% năm nay, và còn tăng lên 6,7% năm sau.

Trong khi đó, với các nước Đông Nam Á, ADB hạ mức dự báo tăng trưởng xuống 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm sau, giảm một chút so với dự báo trước đó lần lượt là 4,7% và 5,0%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thế giới về xuất khẩu giảm.

Chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn?

Trong bối cảnh lạm phát bắt đầu được kiểm soát và “trôi nhẹ” về các mức trung bình trước Covid-19, ADB hạ mức dự báo lạm phát năm nay của khu vực xuống 3,6% từ mức 4,2% trong báo cáo trước. Thực tế, trong nửa đầu năm 2023, ngoại trừ Trung Quốc có mức lạm phát giá tiêu dùng không tăng, thậm chí còn lo giảm phát, thì con số này ở châu Á nói chung tăng lên 6,2%.

Nhìn về khu vực, lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát không tính tới một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng) cũng phức tạp hơn. Theo ADB, chỉ số này vẫn đang cao ở nhiều nền kinh tế thuộc Đông Á và Đông Nam Á do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sự hồi phục của các hoạt động vui chơi giải trí cũng đã làm tăng giá các dịch vụ. Dự đoán, lạm phát ở châu Á năm 2024 sẽ tăng hơn một chút so với năm 2023, lên khoảng 3,4% so với mức dự báo 3,3% trước đó.

Trong các tháng còn lại của năm 2023, theo ADB, hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ tiếp tục duy trì những mức lãi suất ổn định, đồng thời lưu ý những tín hiệu cho thấy xu hướng nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ sẽ gia tăng thời gian tới. “Lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác chắc sẽ định hình triển vọng tăng trưởng của khu vực, trong đó lợi thế và thách thức sẽ là ngang nhau”, báo cáo của ADB viết.

"Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục hồi phục sau Covid-19 với tốc độ ổn định. Nhu cầu nội địa và các hoạt động dịch vụ đang thúc đẩy tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang hưởng lợi từ sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn đang yếu và triển vọng về tăng trưởng toàn cầu cũng như nhu cầu trong năm tới đã kém hơn”, ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định vào thời điểm công bố báo cáo.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.