Nga, Belarus đồng lòng trước những vấn đề cấp bách

.

Ngày 23-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại thành phố St. Petersburg (Nga) để cùng thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược song phương, cũng như tiến trình hội nhập trong Nhà nước Liên minh Nga - Belarus.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại St. Petersburg (Nga) ngày 23-7. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại St. Petersburg (Nga) ngày 23-7. Ảnh: AFP

Đây sẽ là cuộc hội đàm lần thứ sáu của hai nhà lãnh đạo năm nay song lại thu hút sự chú ý khi diễn ra trong bối cảnh có nhiều chuyển biến đáng lo ngại xoay quanh cuộc xung đột ở Ukraine. Tuần qua, Biển Đen có dấu hiệu “dậy sóng” với cảnh báo “nóng” từ Nga và Ukraine sau vụ đổ vỡ của thỏa thuận ngũ cốc trong khi bán đảo Crimea đang trở thành mục tiêu tấn công của máy bay không người lái (UAV). Đặc biệt, cuộc gặp cũng là dịp để Nga-Belarus đánh giá những “sự chuyển động” của Ba Lan khi nước này gần đây di chuyển các đơn vị quân đội đến gần biên giới với Belarus nhằm đáp trả việc lực lượng đánh thuê Wagner đến Belarus. 

Thúc đẩy quan hệ đồng minh thân cận

TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, ông Lukashenko đang có chuyến thăm và làm việc tại Nga. Theo kế hoạch, Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus tập trung thảo luận các nội dung cơ bản và quan trọng nhất đối với quan hệ đối tác chiến lược song phương, cũng như tương lai của Nhà nước Liên minh. Trong khi đó, các quan chức Minsk nói rõ, chương trình nghị sự đề cập một loạt vấn đề liên quan đến an ninh, tình hình quốc tế, hợp tác kinh tế, chương trình hợp tác của Nhà nước Liên minh và biện pháp chống áp lực trừng phạt bất hợp pháp từ bên ngoài.

Tổng thống Putin nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt Nga-Belarus khi khẳng định Minsk là đối tác chiến lược và đồng minh thân cận nhất của Moscow. Hai quốc gia đang thực hiện 28 chương trình của Nhà nước Liên minh, đặc biệt nhằm mục đích hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô của mỗi nước và tích hợp các hệ thống thanh toán. Ông Putin cho biết: “Các kế hoạch phát triển hợp tác Belarus-Nga đang được thực hiện với tốc độ tốt hơn dự kiến”. Hai bên sẽ thảo luận kế hoạch xây dựng nền kinh tế tự chủ và thiết lập thị trường năng lượng chung duy nhất.

Những chuyển biến đáng lo

Đến nay, Tổng thống Lukashenko một mực khẳng định lập trường không gửi quân đến Ukraine nhưng cho phép Nga dùng lãnh thổ để đặt vũ khí hạt nhân. Trước thềm chuyến thăm, ông Lukashenko tiết lộ, chương trình nghị sự của cuộc gặp cũng bàn về tình hình liên quan công ty quân sự tư nhân Wagner và hoạt động trong sắp tới của lực lượng này. Ngày 20-7, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, Wagner bắt đầu huấn luyện lực lượng Belarus tại địa điểm chỉ cách biên giới Ba Lan vài km. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ba Lan đưa quân đến gần biên giới với Belarus, nhằm đáp trả việc lực lượng đánh thuê Wagner đến nước này.

Theo Interfax, ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý bất động sản có tên Concord Management and Consulting tại Belarus ngày 19-7. Đáng chú ý, trong cuộc gặp ngày 23-7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ, lực lượng Wagner muốn “đến thăm” thủ đô Warsaw và Rzeszow (Ba Lan) nơi mà họ coi là trung tâm cung cấp khí tài quân sự cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến giành thành phố Artyomovsk trọng yếu của Donbass.

Theo RT, ngày 21-7, Tổng thống Putin chỉ trích giới lãnh đạo Ba Lan đang lên kế hoạch thành lập liên minh dưới “cái ô” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine và tiếp quản khu vực phía tây Ukraine, thậm chí cả Belarus. Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) Sergei Naryshkin cũng cho rằng, Warsaw đang triển khai quân đội tới khu vực như một phần của sáng kiến ​​an ninh Ba Lan-Litva-Ukraine. Ông Putin tuyên bố, Moscow sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào hướng vào Minsk vốn là một phần của Nhà nước Liên minh.

Trong khi đó, bán đảo Crimea trải qua một tuần không yên ả. Bên cạnh các cuộc tấn công ở cảng chính Sevastopol thuộc bán đảo Crimea, cuộc đổ bộ của UAV làm hư hại cây cầu duy nhất nối Crimea với đất liền Nga ngày 17-7, khiến 2 người thiệt mạng. Trong hai ngày 19 và 22-7, hai vụ nổ phá hủy các kho đạn dược của quân đội Nga ở phía đông và trung tâm Crimea.

Ngày 22-7, Thống đốc Crimea thông báo giới chức địa phương đã sơ tán dân cư trong bán kính 5km sau khi UAV tấn công một kho đạn ở đây, đồng thời cũng ngừng hoạt động giao thông trên cầu Crimea. Moscow cáo buộc Kiev đứng đằng sau những vụ tấn công này bởi trước đó chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công khai ý định muốn “vô hiệu hóa” cầu Crimea vốn là tuyến đường huyết mạch cung cấp hàng hóa, năng lượng cho người dân lẫn quân đội và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Theo Defense Express, Nga đang triển khai hàng loạt radar cỡ nhỏ và lắp đặt hệ thống tác chiến lên tàu chiến để bảo vệ cầu Crimea khỏi cuộc tập kích bằng xuồng cảm tử (USV).

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.